VN: Thêm một người bị bỏ tù vì bài viết trên Facebook

Vietnam, court

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lối vào một tòa án ở Việt Nam nơi xét xử một nhà bất đồng chính kiến ngày 4/4/2011

Việt Nam vừa kết án một Facebooker 5 năm tù vào thứ Ba (28/4) vì những bài đăng trên Facebook bị coi là chống nhà nước.

Ông Phan Công Hải, sinh năm 1996, được xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An hôm 28/4 với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Tòa tuyên ông Hải 5 năm tù, phạt quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Báo chính thống của Việt Nam cho hay Hải đã lập 5 Facebook mang tên "Người Việt Xấu Xí"; "David Nguyễn"; "Hung Manh" "Diệt Cộng" và "Phan Công Hải" với tổng số chứng cứ "xuyên tạc, phỉ bang chính quyền, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước…" được công bố là 54 bài viết, 5 video và 4 hình ảnh.

Truyền thông Việt Nam cũng thông tin rằng Hải "khai nhận thành khẩn hành vi phạm tội" tại tòa và mong được "xem xét giảm án để được sớm trở về với gia đình".

Facebook rất phổ biến ở Việt Nam và thường được sử dụng như một công cụ cho các nhà hoạt động và người dân để phổ biến tin tức trong nhà nước độc đảng, vốn cấm tất cả các phương tiện truyền thông độc lập, theo AFP.

AFP tường thuật rằng Phan Công Hải, 24 tuổi, đã dùng Facebook để đăng bài ủng hộ các nhà hoạt động bị bỏ tù trong các cuộc biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý vụ Formosa xả chất độc ra biển năm 2016, cũng như các vấn đề gây tranh cãi khác.

Nguồn hình ảnh, FB Người Việt Xấu Xí

Chụp lại hình ảnh,

Một hình ảnh trên trang Facebook Người Việt Xấu Xí được cho là của Phan Công Hải

AFP cũng nhắc lại trường hợp ông Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, ở cần Thơ, vừa bị kết án hôm thứ Hai 18 tháng tù giam cũng với tội danh tương tự.

Ông Chương trước đó đã đăng một số tin tức về một vụ tranh chấp đất đai ở Hà Nội trên Facebook của ông.

Cho đến tối thứ Ba 28/4, tài khoản Facebook của hai người này vẫn hoạt động.

Facebook vừa bị chỉ trích nặng vì đã tuân thủ yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế các nội dung "được coi là bất hợp pháp".

Mới đây, hãng tin Reuters có bài viết cho hay máy chủ của Facebook đặt ở Viettel và VNPT đã bị tắt trong vòng 7 tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng Tư năm nay. Các máy chủ này chỉ được mở lại sau khi Facebook đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ".

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế gọi Faceboook là "đồng lõa" với chính phủ Việt Nam trong kiểm duyệt các hoạt động trên mạng internet ở nước này.

Khoảng 10% các tù nhân chính trị hiện nay tại Việt Nam đã bị bỏ tù vì hoạt động của họ trên Facebook, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Luật An ninh mạng của Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Luật An ninh mạng gây tranh cãi của Việt Nam được thông qua hồi tháng 6/2018.

Luật có 43 điều, trong đó nêu ra các nội dung cụ thể vè cách thức ngăn ngừa hoặc chặn bất kỳ hành động nào bị nhà nước coi là bất hợp pháp, liên quan tới an ninh mạng.

Điều 16 của luật liệt kê năm loại hành động chính bị coi là bất hợp pháp, vi phạm an ninh mạng.

Trong số này có việc thông tin trên không gian mạng các thông tin phản đối chính phủ, xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng, làm nhục hoặc vu khống, có hành vi gây thiệt hại kinh tế xã hội hoặc gây hoang mang trong nhân dân, hoặc gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Một điều khoản khác trong Điều 26 thì đòi các hãng cung cấp dịch vụ internet trong nước và nước ngoài phải có hành động trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu từ giới chức.

Tại một điều khoản khác, luật đòi các hãng nước ngoài như Google hay Facebook phải đặt văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Các nhóm hoạt động về nhân quyền thì cáo buộc rằng đây là các nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường kiểm soát internet sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng Sáu năm ngoái, khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong làn sóng phản đối các kế hoạch mở đặc khu kinh tế.

Nhiều blogger và các nhà hoạt động người Việt cũng bày tỏ chính kiến rằng họ cảm thấy luật an ninh mạng mới trao cho giới chức quá nhiều quyền.

Ca sỹ Mai Khôi, thời điểm đó, từng viết trên trang cá nhân hi vọng rằng dù Luật này có hiệu lực, nhưng nếu Google và Facebook không tuân thủ thì "chúng ta vẫn có tự do internet".

Ngày Luật An ninh mạng được thông qua, ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thì chia xẻ nhận định với BBC News Tiếng Việt:

"Tin buồn cho ngày hôm nay, nhưng tôi không mấy ngạc nhiên. Dưới áp lực từ các Bộ Công an, Quốc phòng và sau sự tán thành của ủy ban trung ương đảng, cơ quan lập pháp của Việt Nam hôm nay thông qua luật an ninh mạng được soạn thảo một cách kém cỏi."

Ông Brown giải thích:

"Tất cả các quốc gia cần phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ bí mật hồ sơ, tài liệu chính thức, và ngăn chặn hành vi trộm cắp dữ liệu cá nhân, tôi không tranh luận gì với những quy định này của luật mới."

"Nhưng nhiều điều khoản khác sẽ cản trở sự hội nhập của Việt Nam vào mạng lưới toàn cầu; làm chậm sự tăng trưởng của quốc gia."

"Tệ hơn nữa, theo quan điểm của tôi, bộ luật vừa được thông qua là một nhạo báng cho cam kết của Việt Nam với tự do ngôn luận. Cảnh sát bây giờ sẽ có thể buộc Google (YouTube), Facebook và phương tiện truyền thông xã hội khác cho họ truy cập vào các tài khoản của bất kỳ công dân Việt Nam nào. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng đánh cược rằng, như họ từng làm trước đây, giới tư tưởng độc lập của Việt Nam sẽ tìm cách gây thất vọng cho đảng."

Trong khi đó trả lời phỏng vấn của trang Bloomberg, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế và cựu cố vấn chính phủ tại Hà Nội nói:

"Luật an ninh mạng là một bước lùi lớn cho Việt Nam. Nó sẽ hạn chế tự do ngôn luận và ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam".

Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài, và bây giờ với luật này "sẽ làm tổn hại nghiêm trọng nỗ lực đó," ông Doanh nhận định.