Việt Nam: Phía sau vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”

Nguồn hình ảnh, BBC Sport
Chính quyền Việt Nam xác định câu chuyện "bác sĩ Khoa rút ống thở" là hư cấu và công an đang điều tra vụ việc (ảnh minh họa)
Chính quyền Việt Nam xác định câu chuyện "bác sĩ Khoa rút ống thở" là hư cấu và công an đang điều tra vụ việc giữa lúc thực trạng "thiếu oxy" đang rất nghiêm trọng.
Câu chuyện "bác sĩ Khoa rút ống thở" đã gây chấn động từ người dân cho tới chính quyền trung ương.
Thông tin Chính phủ, trang Facebook chính thức của Chính phủ Việt Nam, đã dẫn thông tin từ Sở Y tế TP HCM, khẳng định rằng câu chuyện này là hư cấu.
Công an cũng đã vào cuộc điều tra.
Những chuyển động trên cho thấy chính quyền sẽ xử lý mạnh vụ này.
Hai mặt của một 'tin giả'
Câu chuyện "bác sĩ Khoa rút ống thở" sở dĩ được chia sẻ và "cảm phục" vì nó đánh mạnh vào cảm xúc của đông đảo người dân giữa bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng, ngành y tế quá tải, các nhân viên y tế ở tuyến đầu phải gồng mình trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ.
Một bác sĩ tuyến đầu tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở TP HCM đã chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về tình trạng thiếu máy thở cho bệnh nhân nặng.
Ông kể có lần, một bệnh nhân tử vong đã tình cờ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân nặng kế tiếp, khi có một máy thở được "nhường lại" theo cách ấy.
Hướng truyền thông của Việt Nam lâu nay đều nhằm nêu bật những đóng góp, nỗ lực, những vất vả, hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế và các lực lượng khác làm công tác chống dịch tuyến đầu.
Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình
Câu chuyện 'Bác sĩ Khoa' được nhiều người chia sẻ trên Facebook
"Tuy nhiên, câu chuyện 'bác sĩ Khoa' lại nêu bật sự bất lực của chính quyền trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Đấy là điều mà chính quyền thấy không hay ho cho lắm," một chuyên gia truyền thông tại TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
"Điều đó giải thích vì sao chính quyền quyết liệt vào cuộc vụ này, bao gồm cả bên y tế lẫn công an," người này nói.
Cũng theo chuyên gia, thông qua các bằng chứng có được và qua phân tích của cá nhân, bà cho rằng câu chuyện "bác sĩ Khoa" là hư cấu.
"Nhiều người cho rằng hư cấu một câu chuyện như thế là vô hại. Tôi không cho là vậy," bà chia sẻ. "Câu chuyện này một mặt nêu bật sự thiếu thốn của ngành y tế, cũng là cách phơi bày thực tế là chính phủ không đầu tư đủ cho y tế, đó là điều mà chính quyền không thích. Mặt khác, khi bị xác định là chuyện hư cấu, nó càng làm cho niềm tin của người dân bị thách thức."
"Thực ra, để có câu chuyện xúc động, để khơi gợi sự cảm phục đối với ngành y, có vô vàn chuyện có thật trong cuộc sống. Chỉ cần các nhà báo, các KOL theo sát một bệnh viện tuyến trên, hay bám theo một đoàn cấp cứu là có được. Không cần phải hư cấu làm gì," bà nói.
Quá tải là có thực
Câu chuyện "bác sĩ Khoa" được xác định là hư cấu, với một số bằng chứng cho thấy hình ảnh của vụ việc khác đã được sao chép và gán ghép vào.
Tuy nhiên, câu chuyện hư cấu này một lần nữa làm nổi bật lên thực tế: sự quá tải của ngành y tế giữa lúc số người nhiễm, đặc biệt là số người bị bệnh nặng tăng lên liên tục.
Một người dân trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng hẻm của bà có rất nhiều người bị bệnh phải tự lo.
"Chúng tôi đã gọi cho y tế phường, gọi cho các bệnh viện, gọi cho chính quyền hàng trăm cuộc nhưng không bao giờ họ nhấc máy. Mọi người đều phải tự xử mỗi khi nhà mình có ca bệnh diễn biến nặng," bà này kể.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Nhiều video được đăng tải trên mạng xã hội cũng cho thấy người chết ở nhà do không được cấp cứu khi bệnh trở nặng.
Trước sự quá tải của ngành y tế, nhiều đội nhóm dân sự đã vào cuộc, lập những đội phản ứng nhanh với bình oxy, máy trợ thở đi cấp cứu khắp thành phố.
"Nhiều người nhờ đó mà tạm thời chống chọi được khi bị suy hô hấp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là được cấp cứu đúng cách tại bệnh viện. Máy cung cấp oxy chỉ là một phần, bệnh nhân nặng cần được điều trị nhiều mặt khác nữa," một bác sĩ chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Anh Phạm Nghĩa, một người tham gia cung cấp bình oxy tận nhà cho các bệnh nhân khó thở, chia sẻ trên Facebook: "Rất khó kiếm nguồn bình oxy mà một bình thở tối đa 24 giờ. Do vậy, máy tạo oxy là rất cần thiết cho F0 điều trị tại nhà."
Anh cho biết đang vận động thêm nguồn lực để hỗ trợ máy thở cho bệnh nhân.
Covid-19: Bệnh nhân làm sao để vượt qua mối lo suy hô hấp?