Việt Nam và Cameroon muốn giải quyết 'khủng hoảng liên doanh Viettel'

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường tiếp kiến Thủ tướng Cameroon Joseph Dion Ngute để trao thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Thủ tướng Cameroon.

Nguồn hình ảnh, TTXVN

Chụp lại hình ảnh,

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường tiếp kiến Thủ tướng Cameroon Joseph Dion Ngute để trao thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi Thủ tướng Cameroon.

Nhà chức trách Việt Nam và Cameroon tăng cường đối thoại giải quyết khủng hoảng liên doanh với Viettel, theo truyền thông Cameroon.

Được biết tranh chấp liên quan tới Viettel Cameroon SA, công ty liên doanh giữa Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) và Bestcam, một cổ đông tại Cameroon.

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ những bất đồng bởi các bên liên quan giữa Việt Nam và Cameroon trong việc quản lý công ty này theo đó phía cổ đông Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc của các đối tác phía Cameroon rằng họ "lách luật" Cameroon.

El Hadji Baba Danpullo, Chủ tịch HĐQT tại Bestcam đã cáo buộc tổng giám đốc Viettel Cameroon SA quản lý công ty này như "doanh nghiệp tư nhân của mình" theo đó nói phía Việt Nam tuyển dụng đối tác gây ảnh hưởng tới người lao động Cameroon không có công ăn việc làm.

Tuy nhiên, tranh chấp cũng liên quan tới các vấn đề như chữ ký cho các giao dịch tài chính, sự tham gia của các đối tác nước ngoài, mua sắm phần cứng viễn thông và chuyển giao công nghệ,...

Đặc phái viên của Thủ tướng Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, vào hôm 6-7 tháng Năm đã có chuyến công du tới Cameroon, theo truyền thông trong nước.

Giải quyết cuộc khủng hoảng Nexttel (thương hiệu của mạng điện thoại di động liên doanh này) được cho là một trong những trọng tâm chính của chuyến đi của ông Cường.

Bản tin của TTXVN nói "Chính phủ hai nước sẽ hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại trong liên doanh" và hai bên "trao đổi sâu về cơ chế hợp tác hiệu quả của liên doanh này".

Truyền thông Cameroon đưa cuộc trao đổi 80 phút kết thúc bằng việc phía Cameroon sẽ thành lập một ủy ban thanh tra cuộc khủng hoảng này nhằm đề xuất các giải pháp thích hợp và hòa giải nhằm chấp dứt căng thẳng hiện có tuy không có thời gian biểu cụ thể.

Giới quan sát tin rằng nếu tranh chấp thương mại này không được xử lý đúng đắn thì sẽ có hệ lụy tiêu cực đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Cameroon.

Việc giải quyết tranh chấp tại doanh nghiệp này cũng là mối quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam bởi có hệ lụy tránh làm chậm các doanh nghiệp khác của Việt Nam muốn mở rộng hợp tác với Cameroon trong các lĩnh vực khác như thủy điện và khách sạn, xi măng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm lên tới khoảng 1 tỉ đô la.

Nexttel là nhà mạng đầu tiên tại Cameroon có mạng 3G, đứng thứ ba trên thị trường, có khoảng 5 triệu thuê bao, phủ sóng khoảng 75% lãnh thổ nước này kể cả những vùng nông thôn hẻo lánh.

Cameroon là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 219,7 triệu USD, theo TTXVN.