Việt Nam 'là đối tác thương mại quan trọng của Anh'

Nguồn hình ảnh, tapchicongthuong.vn
Khóa họp lần thứ 11 của Uỷ ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh được tổ chức tại Hạ Long hôm 4/10
Anh thừa nhận Việt Nam là thị trường năng động nhưng cũng cảnh báo vấn nạn tham nhũng và quan liêu.
Thông điệp về tầm quan trọng của mậu dịch và đầu tư song phương được đưa ra trong bối cảnh Anh Quốc đang cận kề ngày rời khỏi EU (Brexit).
Quốc vụ khanh về chính sách thương mại Vương quốc Anh Conor Burns được dẫn lời trong một thông cáo rằng Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất và là đối tác thương mại quan trọng của Vương quốc Anh trong tương lai.
"Khi chúng ta tiến đến hạn [Brexit] 31/10, mục tiêu của chúng ta rất đơn giản - đó là thúc đẩy các doanh nghiệp Anh ở nước ngoài và tăng cường quan hệ thương mại của chúng tôi trên toàn cầu.
"Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới và các cuộc đàm phán thương mại của chúng tôi đang có những bước tiến lớn trong việc giúp hai nước chúng ta kinh doanh dễ dàng hơn," ông Burns nói thêm.
Nhận định được đưa ra sau một cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Thương mại Anh-Việt Nam (JETCO) đã được tổ chức tại Vịnh Hạ Long vào hôm 04/10 nơi giới chức thương mại hai nước bàn thảo kế hoạch hợp tác một loạt các lĩnh vực bao gồm quan hệ thương mại và đầu tư song phương, hợp tác trong giáo dục, y tế, năng lượng, nông nghiệp và dịch vụ tài chính.
Trong sự kiện này, Quốc vụ khanh về chính sách thương mại Vương quốc Anh Conor Burns và Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vương đồng ý hợp tác hơn nữa về các vấn đề hiện đang ngăn cản các doanh nghiệp Anh kinh doanh tại Việt Nam.
Cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam nói về những vấn đề Việt Nam đang gặp phải
Các rào cản được nói tới là hiện tại có giới hạn về quyền sở hữu nước ngoài đối với các công ty tại Việt Nam.
Hạn chế này là về cơ hội, trong một số lĩnh vực, mà một doanh nghiệp nước ngoài chỉ được sở hữu một công ty tối đa là 49% .
Hai điểm mấu chốt được đề cập tới trong cuộc bàn thảo này trước tiên là thực trạng thiếu khung pháp lý trong lĩnh vực Công nghệ Tài chính (Fintech) của Việt Nam.
"Điều này có nghĩa là giấy phép được cấp theo quyền quyết định chủ quan của chính quyền và các doanh nghiệp Anh thấy gặp khó khăn khi tham gia thị trường.
"Một số mảng trong khu vực năng lượng tái tạo Việt Nam không phù hợp với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, làm đội chi phí cho các doanh nghiệp Anh muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt trị giá hơn 800 triệu bảng trong năm ngoái và tổng thương mại giữa Anh và Việt Nam trị giá hơn 6 tỷ bảng vào năm ngoái.
Hôm 3/10 ông Warwick Morris, cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2000-2003) nói với BBC News tiếng Việt rằng kể từ khi Việt Nam có dịch vụ bay thẳng tới Anh số lượng du khách Anh thăm Việt Nam tăng lên.
"Trong số 250-300 ngàn lượt người tới thăm Việt Nam thì không những tăng nhận thức của người Anh đối với Việt Nam mà có cả các doanh nhân trong số đó nữa. Và khi doanh nhân tới thăm Việt Nam như vậy và quay trở lại thì họ sẽ có thể nói rằng hãy thử kinh doanh tại đây xem thế nào.
"Mới đây có sự kiện được tổ chức tại London nhằm nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kinh doanh. Và sau đó thì có sự kiện của giới doanh nhân nói về khởi nghiệp, liên hệ giữa khoa học và công nghệ…và tôi tin rằng sẽ ngày càng có nhiều hơn những hoạt động như vậy.
Nguồn hình ảnh, tapchicongthuong.vn
Quốc vụ khanh về chính sách thương mại Vương quốc Anh Conor Burns và Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vương
"Khi Việt Nam phát triển thì có những vấn đề như giao thông đông đúc hơn, nhiều nhà máy hơn và kèm theo là các vấn đề về môi trường như ô nhiễm. Và chính phủ Việt Nam cần có chính sách thích hợp để đối phó với những vấn đề đó. Ngay cả London có thể xem là không khí được cải thiện đáng kể rồi mà vẫn có thêm các biện pháp để tăng cường chất lượng không khí.
Trả lời câu hỏi của BBC về trở ngại của thực trạng tham nhũng đối với mức độ quan tâm làm ăn tại Việt Nam ông Morris nói rằng các nhà đầu tư cần phải đưa ra quyết định và họ có thể vào làm ăn hoặc rút khỏi một nước rất nhanh.
"Nếu họ thấy tham nhũng là vấn đề, hoặc đang gia tăng thì họ sẽ ra đi chứ họ không ở lại. Hoặc nếu họ thấy nạn quan liêu ở mức quá đáng hoặc luật pháp chưa được cải thiện hoặc được thi hành thì họ sẽ đưa ra quyết định cho mình.
"Chính phủ phải biết rằng các nhà đầu tư lớn và nhỏ có thể ra đi rất nhanh nếu họ thấy mọi chuyện đi theo hướng thụt lùi, tham nhũng và quan liêu trở nên quá đà," ông Morris, Chủ tịch Vietnam-UK Network, nói với BBC.
Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và được dự đoán sẽ trở thành một trong 20 nền kinh tế toàn cầu hàng đầu vào năm 2050, với GDP tăng hơn 7% trong năm 2018.