Cổ động viên bóng đá chi hàng triệu đô vào tiền mã hóa của CLB

  • Joe Tidy và Edwin Lane
  • BBC News
CLB Barcelona và Juventus bán token cho cổ động viên

Nguồn hình ảnh, Socios

Chụp lại hình ảnh,

CLB Barcelona và Juventus bán token cho cổ động viên

Các câu lạc bộ (CLB) bóng đá có khả năng kiếm được hàng trăm triệu đôla từ việc bán tiền mã hóa "token cho cổ động viên (CĐV)" vốn gây tranh cãi.

Phân tích do BBC News ủy quyền ước tính có hơn 350 triệu đôla (262 triệu bảng Anh) được dùng để mua các loại tiền mã hóa.

Một số token được tiếp thị dưới hình thức cung cấp đặc quyền thực tế cho người mua.

Nhưng những chỉ trích cho rằng các đặc quyền này không đáng kể - ví dụ, một đặc quyền là cho cơ hội để bình chọn bài hát được biểu diễn ở sân vận động - và các CLB không có đủ sự bảo vệ cho người hâm mộ.

Tiền mã hóa dành riêng CLB

Cho đến nay, 24 CLB của năm giải đấu lớn ở châu Âu đã cho ra mắt hoặc đang cân nhắc tiền mã hóa token cho CĐV, trong đó có 8 đội tại giải Ngoại hạng Anh.

Hầu hết đều đề xuất các token giống như một loại tiền mã hóa dành riêng cho CLB - hay còn gọi là tiền ảo có thể được mua bán và giá trị của chúng tăng giảm phụ thuộc vào cung cầu.

Một vài CLB, như Manchester City, cũng bán các bộ sưu tập mã hóa được gọi là NFTs (Non-fungible token hay còn gọi là token không thể thay thế).

Hầu hết các CLB mời chào token cho cổ động viên đã được đăng ký với một công ty có tên là Socios, công ty này tổ chức bán khai trương và các giao dịch tiếp theo của tiền mã hóa coin - nhưng các nền tảng khác, như Binance và Bitci, cũng đang phát triển.

Socios nói với BBC News rằng họ đã bán được 270-300 triệu đôla tiền coin trên ứng dụng của mình. Họ không nói có bao nhiêu tiền được chuyển trực tiếp đến các CLB.

Người mua trước tiên phải chuyển đổi tiền thực của họ thành tiền mã hóa của chính công ty, gọi là Chiliz.

Nghiên cứu của nhà phân tích tiền mã hóa Protos cho thấy nhiều người mua đang giao dịch đầu cơ token giống như các loại tiền mã hóa khác nhằm kiếm lời.

Nhưng giá trị của nhiều token cho CĐV đã giảm kể từ khi chúng được các CLB khởi bán.

BBC News hỏi mọi đội bóng ở Premier League và một số đội bóng lớn ở châu Âu về kế hoạch và quan điểm của họ với xu hướng mới này.

Chỉ một vài CLB vui vẻ trả lời.

Người phát ngôn CLB Brighton and Hove Albion nói rằng: "Chúng tôi không bán các sản phẩm này và không có kế hoạch thâm nhập vào những thị trường này."

Kể từ sản phẩm khi tiền mã hóa dựa trên một sổ cái công khai, được gọi là blockchain, Protos có thể xác định:

  • Lazio, Manchester City, Porto, và Santos dường như tạo ra nhiều doanh thu nhất
  • Lazio là CLB tạo ra nhiều doanh thu nhất từ token cho CĐV - lên đến 130 triệu đôla
  • token của Manchester City và Lazio rớt giá nhất - giảm 70% kể từ khi ra mắt
  • token của hai CLB Inter Milan và Trabzonspor của Thổ Nhĩ Kỳ tăng giá trị hơn cả Bitcoin đạt được trong năm qua

"Token cho CĐV đang được giao dịch tích cực hơn những gì bạn mong đợi đối với loại sản phẩm liên quan đến người hâm mộ này," giám đốc mảng tin tức của Protos, David Canellis, nói.

"Nhìn chung, các tiền mã hóa nhỏ như token cho CĐV này có thể biển động đáng kinh ngạc dựa vào một số lượng nhỏ người muốn giao dịch chúng.

"Người đầu cơ biết điều này, vì vậy tôi để ý thấy rằng phần lớn giao dịch trên thị trường token cho CĐV hoàn toàn được thúc đẩy bởi nhà những đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn."

Nhà đầu tư cá nhân

Một chỉ trích đối với hệ thống hiện tại là các CLB nắm giữ phần lớn token, hơn là bán cho CĐV, điều này làm sai lệch thị trường.

Nguồn hình ảnh, Socio

Chụp lại hình ảnh,

Giao dịch là một phần nổi bật của ứng dụng 'token cho CĐV' Socios

Giá trị của token do 13 CLB hàng đầu cùng nhau nắm giữ vượt quá 1,9 tỷ đôla - nhưng các nhà đầu tư cá nhân hiện chỉ nắm giữ 376 triệu đôla giá trị token.

Trung bình, các CLB kiểm soát 80% nguồn cung token cho CĐV.

"Bản thân các CLB phải cân đối để không bán quá nhiều cùng một lúc" ông Canellis nói.

"Nếu họ bán quá nhiều cùng một lúc, họ có nguy cơ bị rớt giá token.

"Chúng ta có thể thấy rõ điều này đang xảy ra với CLB Lazio, FC Porto, Santos FC, và Manchester City."

Người hâm mộ bóng đá

Một vài nhóm CĐV cũng lo lắng về việc bị bóc lột.

"Kiến thức của tôi về thị trường tiền mã hóa rất sơ sài để nói những gì cơ bản nhất - và có lẽ tôi đại diện cho số đông người hâm mộ bóng đá tầm thường không phải là thương nhân trên thị trường tiền mã hóa," Sue Wastson, chủ tịch West Ham United Supporters Trust nói trên Tech Tent podcast của BBC News.

"Nó không được quy định, không an toàn và tôi đặt câu hỏi rằng các CLB có những biện pháp bảo vệ gì cho người hâm mộ."

Ứng dụng Socios cung cấp thông tin về token của CLB giống như các thị trường tiền mã hóa khác, có hiển thị biến động giá và nút bấm mua và bán nổi bật trên màn hình.

Nhưng Max Rabinovitch, từ Socios, cho biết hệ thống được thiết kế để thưởng cho CĐV giữ token hơn là giao dịch chúng.

Đặc quyền có ý nghĩa

Các ưu đãi như "giảm giá 5% vĩnh viễn tại các cửa hàng kỹ thuật số, có khả năng giành được chiến thắng là các tấm vé" quan trọng hơn với CĐV hơn là kiếm được "5 hay 10 đôla" bán token của họ, ông nói.

"Không có giá trị nào từ giao dịch," ông Rabinovitch nói.

"Nếu bạn muốn thu thập điểm cho một đội bóng, nếu bạn muốn bỏ phiếu cho đội đó, bạn luôn luôn có thể sử dụng token.

"Toàn bộ vấn đề ở đây là mua nó và giữ nó."

Nhưng ông muốn các CLB đưa ra những đặc quyền có ý nghĩa hơn là bỏ phiếu về những vấn đề nhỏ như "chúng ta nên chơi bài hát nào trong sân vận động khi các cầu thủ ra sân".

Hình ảnh động kỹ thuật số

Một cách khác mà các CLB tham gia vào các sản phẩm tiền mã hóa là thông qua NFT hoặc Non-fungible Tokens.

Manchester City, Rangers và Juventus đều đã phát hành NFT chính thức, với việc chi hàng chục nghìn cho những hình ảnh và video kỹ thuật số độc đáo với quyền sở hữu được thể hiện qua mã code được tạo sẵn.

Triệu phú NFT, Mike Bousis, cho biết ông đã chi khoảng 40.000 USD cho 5 chiếc trong số này.

Nguồn hình ảnh, MAKERSPLACE

Chụp lại hình ảnh,

Hồ sơ công khai cho thấy Manchester City kiếm được 80.000 đô la từ hai bộ NFT

"Khi tôi thấy Manchester City phát hành NFTs, tôi phải có nó," ông Bousis nói.

"Tôi luôn thích Man City - tôi thích đội bóng, sự hào nhoáng và phong cách của họ - và tôi nghĩ mua và có là một điều tuyệt vời.

"Tôi sở hữu nó - nó là của tôi, tôi có thể trưng bày nó ở bất cứ đâu tôi thích - và đó là một tác phẩm nghệ thuật."

Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) Hoa Kỳ là một trong những tổ chức thể thao đầu tiên bán NFT, bằng việc mời chào các video clip của các trận đấu bóng rổ.

Nhưng nghiên cứu của Protos cho thấy giá trị của các TopShot NFT này đã giảm 90% kể từ đầu năm 2021.

Các công ty như Sorare cũng cung cấp thẻ cầu thủ bóng đá có thể thu thập và chơi được giống như NFT

Dữ liệu của Protos cho thấy những thứ này ngày càng phổ biến, với việc người hâm mộ đã chi 142 triệu đôla kể từ khi chúng ra mắt, vào tháng 4/2019.

Và giá bán vẫn ổn định cả năm.

Nhưng cây bút bóng đá Martin Calladine nói rằng người hâm mộ nên thận trọng với việc đầu tư vào NFT - và token cho CĐV.

Nguồn hình ảnh, NURPHOTO

'Kiếm tiền'

"Vấn đề với tiền mã hóa là nó không được kiểm soát," ông nói.

"Đó là sản phẩm duy nhất được chứng thực trong bóng đá mà không có sự giám sát pháp lý.

"Đừng mua vào vì bạn cảm thấy rằng nó có thể là một cách kiếm tiền.

"Một số người sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ nó - nhưng gần như chắc chắn đó không phải là người hâm mộ bóng đá bình thường trên đường phố."