Giáng Sinh Năm Ngoái không ngọt ngào
- Nicholas Barber
- BBC Culture

Nguồn hình ảnh, Universal Pictures
Bộ phim mới "vừa ngọt vừa chua một cách gớm chết" và không tôn vinh ca sỹ kiêm nhạc sỹ George Michael như mong muốn, theo Nicholas Barber.
George Michael đã làm gì để đáng bị đối xử như vậy?
Tại sao ca sĩ kiêm nhạc sĩ và là cựu thủ lĩnh ban nhạc Wham! lại liên quan đến một sản phẩm tuy là thuộc dòng phim hài lãng mạn nhưng không hề hài hước gì, lại còn đầy mưu mô một cách tàn nhẫn như vậy, khi mà bản thân ông không có thể lên tiếng phản đối?
Phim 'Giáng Sinh Năm Ngoái' được đạo diễn bởi Paul Feig, người đã thực hiện hai trong số các bộ phim hài dễ thương nhất của Hollywood trong cả thập niên qua, 'Phù Dâu' và 'Điệp Viên', và kịch bản được đồng sáng tác bởi Emma Thompson, một báu vật của Anh.
Nhưng sự hợp tác sai lầm của họ thậm chí đã không tạo ra một tác phẩm điện ảnh tôn vinh Michael, như 'Ánh Sáng Chói Loà' (Blinded by the Light) từng dành cho Bruce Springsteen, hay 'Ngày Hôm Qua' (Yesterday) dành cho The Beatles.
Bộ phim tuyên bố ở ngay đoạn mở đầu rằng phim "lấy cảm hứng" từ ca khúc bất hủ của Michael, nhưng hượm đã; cái căn nhà gỗ trong phim ấy là từ đâu mà ra vậy? Cáp treo? Cá sấy khô?
Có vẻ như nhiều khả năng là Feig và Thompson đã xem lại những phần uỷ mị nhất nhưng mà lại là kỳ dị nhất của phim 'Yêu Thực Sự' (Love Actually), và lấy chúng làm điểm khởi đầu.
Emilia Clarke (từng đóng phim Trò Chơi Vương Quyền - Game of Thrones) thủ vai Kate, một ca sĩ đầy khát vọng và là một fan hâm mộ Michael, di cư từ nơi khi đó còn là Nam Tư tới sống tại một vùng khá là tạp nham của London khi còn là một đứa trẻ, ấy thế mà cô lại có giọng nói như thể là sản phẩm của một trường học nội trú cao cấp.
Cô cũng trông giống như một ngôi sao triển vọng của Hollywood, được trang điểm kỹ lưỡng, nhưng rõ ràng cô ấy phải là một xác vật vờ, kẻ trải qua những mối tình một đêm ồn ào, những lần nốc rượu thâu đêm, cứ lao đầu vào sofa nhà bạn bè cho đến khi bị họ tống cổ ra vì cái tội làm hỏng hết đồ đạc rồi làm chết thú cưng của chủ nhà.
Cô thuộc dạng nợ đời, uỷ mị vớ vẩn: xem Fleabag và Brittany Chạy Marathon để biết chi tiết.
Và Clarke làm hết sức mình, hăng hái nhiệt tình, đưa ra những câu nói đùa được viết quá lố, và tung ra điệu cười ồn ào ngoác miệng bất cứ khi nào có thể.
Nhưng thành thực mà nói thì Kate đúng là một cơn ác mộng - cô không chỉ ích kỷ và chuyên làm hỏng mọi thứ, mà còn luôn tự mãn và mỉa mai.
Feig và Thompson có chung niềm tin với Richard Curtis (nhà biên kịch, tác giả kịch bản nhiều bộ phim hài lãng mạn nổi tiếng như Nottinghill, Bốn Đám Cưới và Một Đám Ma) rằng nếu những người đàn ông, phụ nữ người Anh ăn mặc chải chuốt mà chửi thề và khiến nhau khó chịu, thì về bản chất họ rất vui nhộn. Nhưng mà không phải vậy.
Giáng Sinh Năm Ngoái biện minh cho sự đáng ghét của Kate với lý do cô vừa mới khỏi bệnh mãn tính. (Mà để giữ kín cho Bất Ngờ Ghê Gớm Cuối Cùng, cho nên ai cũng nhắc đến căn bệnh này nhưng mà không ai nói rõ ra rốt cuộc nó là cái bệnh gì.)
Không tàn nhẫn với bạn bè, nhưng cô rất tàn nhẫn với Santa (do Dương Tử Quỳnh thủ vai), người chủ tiệm bán đồ trang trí Giáng Sinh ở khu Covent Garden nơi cô làm việc.
Khán giả được cho xem để thấy cười giễu khi thấy hàng hoá nơi đó vô vị tới mức nào. Nhưng chúng ta cũng được cho xem cảnh hàng ngàn vạn ánh sáng thần tiên lấp lánh phủ khắp London, cho nên ta sẽ nói rằng Feig có chiếc bánh Giáng Sinh và đang chén nó.
Tiêu chuẩn kép này chạy xuyên suốt bộ phim. Ở một cấp độ nhất định thì đó là sự quan tâm và tự do, với những lời than vãn về hoàn cảnh của những người phải ngủ lang thang trên phố và sự bài ngoại mà mẹ của Kate (Thompson) phải chịu đựng.
Nhưng nó cũng được nhồi nhét đầy những trò đùa vui nhộn về cái chết của ca sỹ nổi tiếng của London, Amy Winehouse, về thứ tiếng Anh không hoàn hảo của người nước ngoài, và về sự tham lam của những người vô gia cư.
Không có mấy những bộ phim hài vừa ngọt lại vừa chua tạo thành cái vị rất gớm chết, nhưng ngồi xem bộ phim này thì không khác gì việc phải ăn hết nguyên một chiếc bánh Giáng Sinh truyền thống hình gốc củi với giấm thay vì ăn với kem brandy.
Nguồn hình ảnh, Universal Pictures
Phần lớn sự ngọt ngào đến từ Tom (Henry Golding), một anh chàng xa lạ đẹp trai mà Kate nhìn trúng qua khung cửa sổ của cửa hàng.
Sau cuộc gặp gỡ dễ thương - Kate bị một con chim ị trúng vào mắt - cô và Tom bắt đầu đi dạo ở London cùng nhau.
Hay nói đúng hơn thì Kate đi dạo, trong khi Tom nhảy nhót xung quanh như thể anh chàng đang thử vai cho nhân vật Peter Pan, một sự làm màu kỳ quặc đau đớn mà các nhà làm phim gán lên người anh để biến anh thành thứ thay thế cho bất kỳ bạn bè, người thân, trò tiêu khiển hay tham vọng nào của chính anh.
Điều rất rõ ràng là anh chàng mộng mơ kiểu điển hình trong phim ảnh này sẽ có mối liên quan dính dáng gì đó đến Bất Ngờ Ghê Gớm Cuối Cùng đã nhắc tới ở trên. Nhưng trong khi bạn chờ đợi cho tới khi mọi thứ được tiết lộ, thì anh chàng cũng gây khó chịu như Kate, thậm chí còn là không thể tin tưởng được.
Nhìn chung, Giáng Sinh Năm Ngoái mang đến một bầu không khí bối rối có phần phi thực tế - chất lượng hư ảo của thứ phim ta từng xem trên truyền hình sau khi xơi quá nhiều gà tây và món rượu vang trắng Tây Ban Nha sherry.
Rob Delaney, Peter Serafinowicz và Sue Perkins được nêu tên trong phần thiệu đầu phim cứ như thể họ sẽ đảm nhận vào vai các nhân vật chính, nhưng tất cả bọn họ chỉ có bốn dòng thoại trong cả phim.
Thời gian thì không rõ ràng, nhưng mùa lễ hội thì có vẻ như kéo dài sáu tháng. Chuyện cãi cọ bỗng dưng vô cớ bùng nổ. Các đoạn đối thoại thì ngô nghê vô nghĩa.
Trong một cảnh quay, Kate bị sốc khi biết rằng Santa không phải thực sự tên là Santa, mà chỉ là bà lấy cái tên đó vì bà có cửa hàng bán đồ Giáng Sinh. Thế cho nên Kate luôn cho rằng đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, và Santa là tên gọi phổ biến của phụ nữ Trung Quốc? Ai biết?
Tôi cho rằng bộ phim này muốn trở thành một bản cập nhật của phim 'Hát Mừng Giáng Sinh" (A Christmas Carol), và Scrooge hay chửi thề của chúng ta đang khám phá lại phần bản chất tốt đẹp hơn của chính mình.
Nhưng khi Kate đi loanh quanh từ nơi này sang nơi khác, va vào Tom, đến cửa hàng thì châm chọc khách hàng, về đến nhà thì chế nhạo gia đình, thì thật khó để ta bận tâm xem như thế có nghĩa là gì.
Kịch bản cũng có thể được tạo ra bởi một AI đã nắm bắt được khái niệm tổng thể về các bộ phim hài Giáng sinh cứu rỗi, nhưng không hiểu gì về hành vi của con người.
Tuy nhiên, không có điểm gì nêu trên khiến cho bộ phim không trở thành một sản phẩm ăn khách.
Hình ảnh trong những cảnh phim thật vô cùng lấp lánh, và trình thương cảm thì lên tới mức uỷ mị ướt át, khiến có người coi đó như một món quà ngày lễ.
Nhưng cũng phải nói rằng Kate dành tới nửa thời lượng của phim mang đôi ủng thiên tinh nhạt nhẽo là tình tiết phù hợp, bởi vì Giáng Sinh Năm Ngoái thực sự là một phim rất nhàm.
Đánh giá ★☆☆☆☆
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.