Nipah, virus chết người mới lại đe dọa Châu Á
- Harriet Constable
- BBC Future

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Đó là ngày 3/1/2020, Supaporn Wacharapluesadee đang chờ món hàng được chuyển đến.
Có tin đồn rằng một bệnh hô hấp nào đó đang lây qua người ở Vũ Hán, Trung Quốc, và khi ấy sắp đến Tết rồi, nhiều du khách Trung Quốc đang chuẩn bị bay đến Thái Lan nghỉ Tết.
Để cẩn trọng, chính phủ Thái Lan bắt đầu theo dõi những hành khách đến sân bay từ Vũ Hán, và chọn một số phòng thí nghiệm, trong đó có phòng thí nghiệm của Wacharapluesadee để xét nghiệm các mẫu nhằm tìm hiểu vấn đề.
Wacharapluesadee là chuyên gia săn tìm virus. Bà vận hành phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm mới, thuộc tổ chức Hội Chữ thập Đỏ Thái, tại Trung tâm Khoa học Sức Khỏe nằm ở Bangkok.
Hơn 10 năm qua, bà đã làm việc cùng với Predict, một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm hiểu và ngăn chặn các bệnh có thể lây từ các loài động vật khác sang con người.
Bà và nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nhiều loài. Nhưng họ tập trung chính vào dơi, vốn là loài được cho là vật chủ của rất nhiều loại virus corona.
Bà và nhóm nghiên cứu hiểu rằng phát hiện bệnh chỉ còn là vấn đề thời gian, sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc.
Họ phát hiện ra rằng - cùng với việc loại virus mới này không bắt nguồn từ người - nó là biến thể có liên hệ gần gũi nhất với loại virus corona mà người ta đã phát hiện ở dơi.
Nhờ vào thông tin ban đầu này, chính phủ có thể hành động nhanh chóng, cách ly bệnh nhân và khuyên công dân.
Dù là quốc gia có gần 70 triệu dân, đến ngày 3/1/2021, Thái Lan chỉ ghi nhận 8.955 ca nhiễm và 65 ca tử vong.
Đe dọa tương lai
Nhưng dù trong lúc thế giới đang chiến đấu với Covid-19, thì Wacharapluesadee đã bắt đầu tìm hiểu về đại dịch kế tiếp.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Supaporn Wacharapluesadee trò chuyện với nhóm nghiên cứu, là nhóm đầu tiên xác nhận ca nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc, ảnh chụp khi họ đi thu thập mẫu dơi vào tháng 9/2020
Châu Á là nơi có số bệnh truyền nhiễm mới cao. Các vùng nhiệt đới có hệ sinh thái dày đặc khiến chúng trở thành nơi có số lượng lớn các loại mầm bệnh và làm tăng khả năng có virus mới xuất hiện. Dân số tăng cao và mối liên hệ giữa người và động vật hoang dã trong những nơi này cũng làm tăng nguy cơ rủi ro.
Trong suốt sự nghiệp thu thập hàng ngàn mẫu dơi, Wacharapluesadee và đồng nghiệp của bà đã phát hiện rất nhiều virus mới. Chủ yếu là họ tìm được các loại virus corona, nhưng họ cũng phát hiện ra cả những virus gây bệnh chết chóc có khả năng lây sang người.
Trong số đó có thể kể đến virus Nipah. Dơi ăn hoa quả là vật chủ tự nhiên của loại virus này.
"Nó gây lo ngại lớn, bởi hiện chưa có cách chữa trị… và loại virus này gây tỷ lệ tử vong cao," Wacharapluesadee cho biết. Tỷ lệ tử vong do virus Nipah gây ra là từ 40-70%, tùy theo nơi bùng phát dịch.
Bà không phải người duy nhất lo lắng. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng hợp danh sách dài các loại mầm bệnh có thể gây ra tình trạng thảm họa về sức khỏe cộng đồng, để từ đó có thể ra quyết định ưu tiên cho các quỹ về nghiên cứu và phát triển ra sao. Họ tập trung vào các loại gây nguy hiểm lớn nhất đến sức khỏe con người, những loại có nguy cơ gây đại dịch, và những virus không có vaccine.
Virus Nipah nằm trong nhóm 10 cần ưu tiên hàng đầu. Và một số đợt bùng phát dịch bệnh đã xảy ra ở Châu Á, có vẻ như ta vẫn chưa thấy ngày tàn của virus này.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Dơi ăn hoa quả là vật chủ tự nhiên của virus Nipah
Có nhiều lý do khiến virus Nipah tàn độc đến vậy. Thời gian ủ bệnh dài (có một ca ủ bệnh đến 45 ngày) đồng nghĩa với việc có dư thừa cơ hội cho vật chủ làm cho lây lan rộng khắp mà không hề biết bản thân đã mắc bệnh.
Bệnh có thể lây nhiễm trên hàng loạt các loài động vật khác nhau, khiến khả năng lây lan tăng lên. Và bệnh có thể lây qua giao tiếp hoặc ăn phải thức ăn có nhiễm virus.
Một số người nhiễm virus Nipah có thể có các triệu chứng về bệnh hô hấp như ho, đau họng, đau người và mệt mỏi, và viêm não, phù não dẫn đến co giật và tử vong. Đây là căn bệnh mà WHO muốn tránh không cho lây lan.
Phơi nhiễm khắp nơi
Đó là sớm mai trời hửng sáng ở Battambang, thành phố bên Sông Sangkae ở miền tây bắc Campuchia.
Ở khu chợ sáng thường bắt đầu họp từ 5 giờ, xe máy chạy lắt léo vòng qua người mua hàng, thổi tung bụi mỗi khi chạy qua.
Xe đẩy chất đầy hàng hóa và bọc bằng giấy đủ màu sắc sẽ được xếp thành đống cao kế bên quầy hàng tạm thời bán các loại trái cây méo mó. Mọi người đi bộ ra vào quầy, xách theo giỏ nhựa đầy các món mới mua. Các bà lớn tuổi đội mụ rộng vành ngồi xổm trên những tấm bạt chất đầy rau quả đem bán.
Nói cách khác, đây là khu chợ khá bình thường. Đó là, cho đến khi bạn ngửa cổ nhìn trời.
Nguồn hình ảnh, Piseth Morais
Chợ sáng ở Battambang, Campuchia cũng giống như các phiên chợ bình thường, chỉ khác là chợ này có nhiều dơi ăn trái cây
Lặng lẽ treo mình trên những tán cây phía trên khu chợ là hàng ngàn con dơi ăn hoa quả, chúng xả thải lên bất cứ ai đi ngang qua bên dưới. Nhìn kỹ hơn, mái che các hàng quán trong chợ đều phủ kín phân dơi.
"Mọi người và chó hoang đi qua dưới mái chợ dính phải nước tiểu của dơi mỗi ngày," Veasna Duong, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu về virus thuộc phòng thí nghiệm khoa học của Viện Pasteur ở Phnom Penh cho biết. Ông cũng là đồng nghiệp và cộng sự của bà Wacharapluesadee.
Chợ Battambang chỉ là một trong nhiều nơi mà Duong xác định dơi ăn hoa quả và các loài vật khác tiếp xúc trực tiếp với con người hàng ngày ở Campuchia.
Bất cứ cơ hội nào mà con người và dơi ăn hoa quả tiếp xúc gần đều được nhóm nghiên cứu coi là "tiếp xúc có rủi ro cao", nghĩa là sự lan truyền có nguy cơ xảy ra cao. "Loại phơi nhiễm này có thể khiến virus biến dị, đây là điều gây ra đại dịch," Duong giải thích.
Dù hiểm nguy, nhưng số lượng về các hình thức, tình trạng tiếp xúc gần giữa người và dơi hoa quả là vô hạn.
"Chúng tôi quan sát [dơi ăn hoa quả] ở đây và ở Thái Lan, trong chợ, ở nơi thờ phụng, trường học và điểm du lịch như Angkor Wat - có khu vực dơi tụ về ngủ với số lượng rất lớn," ông giải thích.
Vào một năm bình thường, Angkor Wat đón 2,6 triệu du khách: đó là 2,6 triệu cơ hội khiến virus Nipah lây lan từ dơi sang người mỗi năm chỉ từ một địa điểm duy nhất.
Nguồn hình ảnh, Piseth Mora
Dơi ăn hoa quả bay trên chợ sáng Battambang, một trong nhiều nơi tại Campuchia nơi dơi và người có tiếp xúc gần mỗi ngày
Từ năm 2013 đến 2016, Duong và nhóm nghiên cứu của ông đã tung ra chương trình theo dõi bằng GPS để hiểu thêm về dơi ăn hoa quả và virus Nipah, và so sánh hoạt động của dơi Campuchia với dơi ở những điểm nóng khác trên thế giới.
Hai trong số các nơi được so sánh là Bangladesh và Ấn Độ. Cả hai quốc gia đều từng trải qua tình trạng bùng phát virus Nipah trong quá khứ, và cả hai đợt dịch nhiều khả năng đều liên quan đến việc uống nước chà là.
Ban đêm, dơi nhiễm bệnh sẽ bay đến các đồn điền chà là và uống nhựa cây được người ta chích ra từ thân cây. Khi uống thứ nước ngon ngọt này, chúng cũng sẽ tè luôn vào bình hứng nhựa. Không hề hay biết, người dân địa phương mua thứ đồ uống được ưa thích này trong ngày hôm sau, từ những người bán hàng rong, thích thú thưởng thức và bị nhiễm bệnh.
Trong suốt 11 đợt bùng phát bệnh Nipah ở Bangladesh từ năm 2001 đến 2011, 196 người bị chẩn đoán nhiễm Nipah - 150 trong số đó thiệt mạng.
Nước chà là cũng là thứ đồ uống phổ biến ở Campuchia, nơi Duong và nhóm nghiên cứu nhận thấy dơi ăn hoa quả ở Campuchia cũng bay xa - đến 100km mỗi đêm - để tìm trái cây. Điều này có nghĩa người dân sống trong những vùng này cần phải lo lắng không chỉ vì sống quá gần dơi, mà còn vì họ ăn uống những sản vật mà dơi gây nhiễm bẩn.
Duong và nhóm nghiên cứu cũng xác định những tình huống có nguy cơ cao khác.
Phân dơi (còn gọi là guano) là loại phân bón phổ biến ở Campuchia và Thái Lan và ở các vùng nông thôn, đem lại một số công ăn việc làm bởi bán phân dơi là một nghề cơ bản để kiếm sống.
Duong thấy rằng ở nhiều khu vực, người địa phương thậm chí còn tìm cách dụ dỗ dơi ăn trái cây, còn được gọi là cáo bay, về trú ngụ gần nhà để họ có thể lấy phân dơi đem bán.
Nguồn hình ảnh, Sa Sola
Dân làng thu thập phân dơi, được dùng phổ biến làm phân bón ở Campuchia và Thái Lan
Nhưng nhiều người thu thập phân guano không hề biết đến nguy cơ mà họ gặp phải khi làm việc này. "60% số người chúng tôi phỏng vấn không biết dơi có truyền bệnh. Người ta vẫn còn thiếu kiến thức," Duong nói.
Trở lại chợ Battambang, Sophorn Deun đang bán trứng vịt. Khi được hỏi bà có biết gì hay không về virus Nipah, một trong nhiều loại bệnh có nguy cơ mà dơi có thể mang, bà nói, "Không bao giờ. Dân làng chẳng ai thấy phiền vì tụi cáo bay cả. Tôi chưa bao giờ bị bệnh vì chúng."
Duong tin rằng giáo dục dân địa phương về nguy cơ mà dơi gây ra nên là sáng kiến quan trọng.
Thay đổi thế giới
Tránh xa dơi có thể là điều đơn giản từng xảy ra trong lịch sử loài người, nhưng khi dân số tăng lên, loài người đã thay đổi hành tinh và hủy diệt hệ sinh thái hoang dã để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với tài nguyên.
Khi chúng ta làm vậy thì bệnh dịch sẽ lây lan. "Sự lây lan những mầm bệnh [lây từ vật sang người] và rủi ro lây lan tăng lên với… những thay đổi trong sử dụng đất như phá rừng, đô thị hóa, tăng cường làm nông nghiệp," tác giả Rebekah J White và Orly Razgour viết trong bản đánh giá của Đại học Exeter năm 2020 về những loại bệnh mới lây từ động vật sang người.
60% dân số thế giới giờ đây đang sống ở Châu Á và vùng Thái Bình Dương, và tình trạng đô thị hóa nhanh chóng vẫn đang tiếp diễn. Theo Ngân hàng Thế giới, gần 200 triệu người di cư đến những vùng đô thị ở Đông Á từ năm 2000 đến 2010.
Sự hủy diệt với hệ sinh thái mà dơi sinh sống đã từng gây ra tình trạng lây nhiễm bệnh Nipah trong quá khứ.
Vào năm 1998, đợt bùng phát bệnh do virus Nipah gây ra ở Malaysia đã giết chết 100 người. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng cháy rừng và hạn hán tại địa phương đã khiến dơi mất nơi ở trong khu vực sinh thái tự nhiên và buộc chúng di chuyển để đi tìm các cây ăn trái - những cây này được trồng trong trang trại có nuôi heo. Khi bị căng thẳng, dơi được cho là thải ra nhiều virus hơn. Hai yếu tố bị buộc phải tái định cư ở nơi khác và tiếp xúc gần với loài mà chúng không thường xuyên tiếp xúc sẽ khiến virus lây từ dơi sang heo, và tiếp tục lây đến nông dân.
Trong khi đó, Châu Á là nơi có 15% diện tích rừng nhiệt đới toàn thế giới, nhưng vùng này cũng là điểm nóng phá rừng. Lục địa này xếp hạng trong nhóm cao nhất trên thế giới về mất đa dạng sinh học. Hầu hết sự mất mát này là do phá rừng để trồng trọt các loại cây như dầu cọ, nhưng cũng là để xây thêm các khu vực dân cư và không gian cho gia súc.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Châu Á có mức độ phá rừng cao, thường là để xây dựng các khu vực trồng dầu cọ
Dơi ăn hoa quả có xu hướng sống trong rừng rậm với nhiều cây ăn trái cung cấp lương thực cho chúng.
Khi khu vực sinh sống bị phá hủy hay tổn hại, chúng tìm phương kế mới - như trú trong nhà, hay trên những vách nứt trên tháp đền của Angkor Wat.
"Sự hủy hoại nơi sinh sống của loài dơi và sự can thiệp của con người qua săn bắn đã khiến bọn cáo bay tìm nơi lưu trú mới," Duong giải thích. Có vẻ như những con dơi mà nhóm nghiên cứu của Duong theo dõi đã phải di chuyển đến 100km mỗi đêm để tìm trái cây, vì nơi sinh sống tự nhiên không còn tồn tại nữa.
Nhưng ta biết rằng dơi có thể mang một số mầm bệnh nguy hiểm - như Nipah và Covid-19, và cả Ebola và Sars nữa.
Vậy ta có nên tiêu diệt sạch loài dơi ko? Không được, trừ khi ta muốn tình hình tồi tệ hơn, Tracey Goldstein, giám đốc viện nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm One Health Institute Laboratory và là giám đốc phòng thí nghiệm của Dự án Predict cho biết.
"Dơi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh thái," Goldstein cho biết. Chúng thụ phấn cho hơn 500 loài cây. Chúng cũng giúp kiểm soát côn trùng, đóng vai trò vô cùng to lớn trong kiểm soát dịch bệnh ở người, chẳng hạn như giảm bệnh sốt rét vì chúng ăn muỗi, Goldstein nói.
"Chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sức khỏe loài người."
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Dù dơi có mang bệnh, chúng cũng đồng thời giúp kiểm soát dịch bệnh thông qua ăn côn trùng - vì vậy tiêu diệt chúng không phải là giải pháp tốt, các nhà khoa học nói
Bà cũng chỉ ra rằng tiêu diệt dơi được cho là gây bất lợi từ khía cạnh bệnh học. "Mỗi quần thể động vật sẽ đều có phản ứng khi ta làm giảm số lượng của chúng, đó là chúng sẽ sinh sản nhiều hơn - và điều đó sẽ khiến [con người] dễ bị tổn thương hơn. Khi giết động vật bạn làm tăng rủi ro, vì bạn làm tăng số lượng động vật có thể lây truyền virus," bà giải thích.
Đau đầu săn lùng virus
Với rất nhiều câu trả lời mà Duong và nhóm của ông phát hiện, lại có thêm ngày càng nhiều câu hỏi xuất hiện.
Một trong số đó là: Tại sao Campuchia vẫn chưa bị bùng phát dịch bệnh Nipah, dù có nguy cơ lây nhiễm nhiều tương đương? Liệu có phải là vấn đề thời gian, hay có phải dơi ăn trái cây ở Campuchia có chút khác biệt so với dơi ăn trái cây ở Malaysia chẳng hạn? Liệu virus ở Campuchia có khác gì virus ở Malaysia? Liệu cách mà con người tương tác với dơi có khác nhau ở mỗi quốc gia?
Nhóm của Duong đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời, nhưng họ vẫn chưa rõ.
Nguồn hình ảnh, Sa Sola
Veasna Duong và nhóm nghiên cứu của ông vẫn còn nhiều câu hỏi về dơi và virus Nipah mà họ muốn có câu trả lời
Tất nhiên, nhóm của Duong không cô độc trong quá trình tìm kiếm câu trả lời. Cuộc săn lùng virus là nỗ lực hợp tác toàn cầu trên quy mô lớn, với nhiều nhà khoa học, bác sĩ thú y, nhà bảo tồn và thậm chí các nhà khoa học công dân cũng cùng hợp tác, để cùng hiểu ta phải đối mặt với bệnh tật gì và làm sao để tránh dịch bệnh bùng phát.
Khi Duong lấy mẫu một con dơi và nhận thấy virus Nipah, ông gửi mẫu cho David Williams, lãnh đạo Nhóm Phân tích Phòng Thí nghiệm Bệnh Khẩn cấp tại Trung Tâm Ứng phó Bệnh dịch của Úc.
Vì virus Nipah quá nguy hiểm, các chính phủ khắp toàn cầu coi đây có thể là tiềm năng gây khủng bố sinh học - chỉ có một số ít phòng thí nghiệm khắp thế giới được phép nuôi cấy và lưu trữ loại virus này.
Phòng thí nghiệm của William là một trong số chúng. Nhóm nghiên cứu là một trong số các chuyên gia hàng đầu thế giới về virus Nipah, với khả năng tiếp cận hàng loạt các công cụ phân tích mà nhiều phòng thí nghiệm không có.
Mặc trang phục bảo vệ hút chân không, họ có thể nuôi cấy loại virus cực kỳ nguy hiểm này từ một mẫu cực nhỏ và sau đó, làm việc với số lượng virus lớn hơn, để thử nghiệm và hiểu xem cách chúng nhân bản, lây lan và gây bệnh ra sao.
Ở giai đoạn này có khá nhiều công việc: đầu tiên, Duong thu thập nước tiểu dơi bằng cách rải các tấm nhựa dưới một nơi trú ẩn của dơi ở Campuchia. Điều này tránh việc phải bắt dơi khiến chúng hoảng sợ.
Ông thu thập mẫu và mang về phòng thí nghiệm, đổ chúng vào ống nghiệm, dán nhãn và gói cẩn thận vào hộp trữ lạnh. Một đơn vị chuyển phát đặc biệt được phép vẫn chuyển hàng hóa nguy hiểm sẽ thu thập mẫu và chuyển tới Úc, nơi mẫu virus được đưa qua hải quan để có được chứng chỉ đi kèm và có giấy phép.
Nguồn hình ảnh, Sa Sola
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Duong làm việc với mẫu nước tiểu của dơi
Cuối cùng, mẫu được đưa đến phòng thí nghiệm của William. Sau khi thí nghiệm, ông sẽ chia sẻ kết quả với Duong ở Campuchia.
Tôi hỏi Williams liệu việc xây thêm nhiều phòng thí nghiệm cực kỳ an ninh như vậy khắp thế giới có thể giúp tăng tốc tìm ra những căn bệnh nguy hiểm như vậy không.
"Tiềm năng thì đúng là vậy, việc thiết lập nhiều phòng thí nghiệm [an ninh sinh học] ở những nơi như Campuchia có thể giúp tăng tốc quá trình xác định tính chất và chẩn đoán các loại virus này," ông chia sẻ. "Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì chúng rất tốn kém. Thường thì yếu tố này khiến cho công tác nghiên cứu luôn có những giới hạn."
Trước đây, nguồn quỹ cho công việc mà Duong và Wacharapluesadee đang làm cũng không được đều đặn.
Chương trình Predict 10 năm đã bị chính quyền Trump loại bỏ, dù tân Tổng thống Joe Biden hứa sẽ mở lại.
Trong khi đó, Wacharapluesadee đang có ngân sách cho một sáng kiến mới tên là Dự án Thái Virome, một dự án phối hợp giữa nhóm nghiên cứu của bà và Cơ quan Bảo tồn Rừng Quốc Gia, Động vật Hoang Dã và Thực vật của chính phủ. Điều này sẽ cho phép bà có thể thu thập thêm nhiều mẫu dơi và số lượng mẫu động vật hoang dã nhiều hơn để hiểu thêm những căn bệnh mà chúng mang và đe dọa đến sức khỏe con người.
Duong và nhóm nghiên cứu của ông đang tìm thêm quỹ cho chuyến đi sắp tới, nhằm tìm kiếm mẫu mầm bệnh - để tiếp tục theo dõi dơi ở Campuchia và để tìm hiểu xem liệu có những căn bệnh truyền nhiễm xảy ra ở người đã xảy ra nhưng đến nay chưa được báo cáo hay không.
Nguồn hình ảnh, Sa Sola
Nhóm nghiên cứu của Duong đang tìm thêm nguồn quỹ mới cho chuyến đi truy tìm mầm bệnh
Họ vẫn chưa có được số tiền để tiếp tục nghiên cứu virus Nipah. Không được nghiên cứu tiếp, họ nói, thì khả năng bùng phát dịch bệnh chết người sẽ dễ xảy ra hơn.
"Quá trình theo dõi lâu dài giúp chúng tôi… cung cấp thông tin cho nhà chức trách [để áp dụng] các biện pháp phòng tránh, tránh tình trạng có bệnh dịch nhưng ta không phát hiện ra, qua đó gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở quy mô lớn," Duong nói.
Và không có quá trình tiếp tục huấn luyện, các nhà khoa học có thể sẽ không định dạng được và không phân loại được một cách nhanh chóng các virus mới, như Wacharapluesadee đã làm trong dịch Covid-19 ở Thái Lan. Đây là những thông tin cần thiết để có thể bắt tay vào nghiên cứu vaccine.
Khi chúng tôi nói chuyện vào tháng 6/2020 qua điện thoại có video, tôi hỏi Wacharapluesadee có thấy tự hào về thành quả ấn tượng mà nhóm nghiên cứu của bà làm được không. "Tự hào ư?" bà nói. "Có chứ, tôi thấy tự hào."
"Nhưng dự án Predict là bài tập thử chẩn đoán virus mới từ động vật hoang dã. Vì vậy khi tôi và nhóm nghiên cứu tìm ra cấu trúc gene của [mầm bệnh virus corona] thì cũng không ngạc nhiên lắm, nhờ vào dự án nghiên cứu này. Nó đã cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm. Nó tăng cường năng lực phân tích của chúng tôi," bà chia sẻ.
Duong và Wacharapluesadee hy vọng tiếp tục hợp tác để chống virus Nipah ở Đông Nam Á, và hai người vừa thảo đề xuất quan trắc virus Nipah trong vùng cùng nhau.
Họ dự định nộp hồ sơ này đến Cơ quan Ứng phó và Giảm thiểu Nguy cơ, một tổ chức của Mỹ chuyên cung cấp quỹ nhằm giảm thiểu những mối đe dọa do bệnh truyền nhiễm gây ra, khi cơn khủng hoảng Covid-19 dần qua đi.
Vào tháng 9/2020, tôi hỏi Wacharapluesadee liệu bà nghĩ bà có thể ngăn chặn trận đại dịch kế tiếp không.
Bà ngồi trong văn phòng và mặc trang phục màu trắng của phòng thí nghiệm, sau khi xử lý hàng trăm ngàn mẫu xét nghiệm Covid-19 trong vài tháng trước đó - nhiều hơn nhiều so với khả năng thông thường mà phòng thí nghiệm của bà có thể đảm đương trong vài năm gần đây.
Bất chấp khối lượng công việc khổng lồ trên, bà vẫn nở nụ cười. "Tôi sẽ cố!" bà đáp.
Phóng viên Mora Piseth hỗ trợ tường thuật từ Campuchia.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.