Bê tông hóa đường ven biển Đà Nẵng là 'ngược xu hướng thế giới'?

Việt Nam, Đà Nẵng, bãi biển, môi trường, bê tông hóa

Nguồn hình ảnh, Linh Pham/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh nói bê tông hóa đang diễn ra ở đây 'đi ngược lại' xu hướng của thế giới (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nói với BBC rằng việc bê tông hóa đường ven biển tại đây đi ngược lại xu hướng của thế giới.

Đà Nẵng đang dự kiến bê tông hóa đường ven biển vào tháng 7/2019 để kịp đưa vào sử dụng năm 2020, theo truyền thông Việt Nam.

Văn bản đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường bê tông dọc bãi biển, chạy qua các resort đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng ký từ tháng 3/2019.

Cụ thể, Đà Nẵng dự kiến làm một con đường dài 500m, rộng 3m bằng kết cấu tấm đan bêtông cốt thép đúc sẵn, phủ tấm nhựa giả gỗ, với vốn đầu tư 8 tỷ đồng.

Con đường bêtông này sẽ chạy dọc bãi biển phía Đông, chạy qua các khu du lịch ở quận Ngũ Hành Sơn, đoạn từ phía Nam bãi tắm Sao Biển đến lối xuống biển giữa Khu du lịch Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana, theo Tuổi Trẻ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, được Tuổi Trẻ trích lời, trong một buổi tiếp xúc cử tri đã giải thích lý do xây con đường này là để 'phục vụ cộng đồng', cụ thể là tạo đường đi bộ, đi xe đạp cho người dân và khách du lịch.

'Đi ngược xu thế'

Nguồn hình ảnh, LILLIAN SUWANRUMPHA/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các bãi biển tại Đà Nẵng sẽ dần bị bê tông hóa?

Trả lời BBC ngày 16/4, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay ông đang có chuyến đi Pháp và điều ông muốn so sánh là cách Đà Nẵng bê tông hóa thiên nhiên và xu thế bảo tồn các giá trị tự nhiên của thế giới.

"Ví dụ ở ở Pháp, sông Sein ở đây được bảo vệ trước việc đô thị hóa. Các công trình xây dựng đều phải tránh xa sông Sein," ông Vinh nói.

"Tôi rất ngạc nhiên khi trong thời đại hiện nay nhiều nước trên thế giới cố gắng bảo vệ các vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên thì chúng ta lại tính tới chuyện bê tông hóa nhiều hơn."

"Không chỉ có bãi biển Đà Nẵng, sông Hàn đẹp và quý giá như vậy hiện cũng đang ngày càng bị bê tông hóa, thu hẹp lại. Các công trình xây dựng được làm nhô ra dòng sông ngày một dày đặc hơn."

Riêng đối với việc bê tông hóa đường ven biển Đà Nẵng để làm đường đi bộ, ông Vinh cho rằng "không cần thiết, làm mất giá trị tự nhiên của các bãi biển, không thu hút được khách du lịch - những người đến đến đây để được nằm thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên của các bãi biển và tắm nắng trên các bãi cát tự nhiên".

"Tôi cho rằng ưu tiên hiện nay nên là trồng thêm cây xanh để bảo vệ bãi biển trước sóng, gió. Ngoài ra, cần ưu tiên xử lý tình trạng nước thải đổ ra biển hiện nay."

"Việc xây đường bê tông ven biển không những không cần thiết mà còn làm phát sinh thêm các chi phí duy tu, bảo dưỡng do chúng dễ bị sóng biển tàn phá. Ngoài ra còn tốn chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thuê đội ngũ bảo vệ vì nó sẽ chạy qua các resort."

Ông Huỳnh Tấn Vinh cũng cho hay việc xây đường bê tông ve biển làm tăng thêm nguy cơ xói mòn nghiêm trọng bờ biển Đà Nẵng - nơi vốn chịu tình trạng xâm thực nhiều năm qua.

Bãi tắm Sao Biển, nơi Đà Nẵng đang dự kiến xây đường bê tông ven biển, là một trong những nơi bị tàn phá nghiêm trọng nhất bởi hiện tượng xâm thực.

Năm 2018, truyền thông Việt Nam đã tường thuật các vụ sạt lở tàn phá bãi tắm Sao Biển thuộc khu vực bãi biển Mỹ Khê (quận Ngũ Hành Sơn), làm 'tan hoang' bờ biển nơi này.

Giới chức địa phương lo ngại

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh,

Bãi biển Đà Nẵng

Đứng ở góc độ lợi ích của doanh nghiệp, cũng có ý kiến từ giới chức TP Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về dự án này.

Báo Tuổi Trẻ trích ý kiến bằng văn bản của ông Lê Minh Trung, phó bí thư Đảng đoàn, phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng năm 2018.

Tại văn bản này, ông Trung cho rằng việc thực hiện tuyến đường này rất khó khăn do tình hình xâm thực biển Đà Nẵng. Ngoài ra còn cần xem xét tác động của con đường đến hoạt động của các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, nguyên chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng thì cho rằng việc xây con đường bê tông này như 'vết chém trên cát', làm "mất mỹ quan đô thị và tốn kém, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của thành phố".

Đà Nẵng bị bê tông hóa ra sao?

Nói về lý do 'bê tông hóa' 500 m đường bãi biển, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa được trích lời trên Tuổi Trẻ cho hay đó là để 'phục vụ người dân'.

''Chúng ta cùng với doanh nghiệp thực hiện Luật biển, bãi biển là của cộng đồng. Sẽ lấy hết tất cả các bãi biển đó phục vụ cộng đồng. Chúng ta cố gắng đầu tư một con đường từ ranh giới giữa đất giao cho doanh nghiệp và bãi biển để làm sao có một con đường đi dọc bãi biển là đường đi bộ, đi xe đạp". Ông Nghĩa nói.

Trước đó, việc Đà Nẵng bị bê tông hóa với tốc độ báo động đã diễn ra nhiều năm nay.

Năm 2018, truyền thông Việt Nam đồng loạt lên tiếng về tình trạng bê tông hóa ồ ạt bán đảo Sơn Trà, nơi được coi là 'lá phổi xanh' của Đà Nẵng.

Từ chân lên đến đỉnh núi, một loạt resort quy mô với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã, đang và sắp khởi công. Có thể kể đến Bai But Bay Resort (vốn 300 tỷ đồng), Mercure Sơn Trà Resort (vốn 20 triệu đô la), Sơn Trà Resort (vốn 20 triệu đô la), InterContinental Danang....

Mới đây, dư luận Việt Nam lại xôn xao trước tin sông Hàn đang bị bồi lấn để phân lô bán nền.

Theo đó, dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex đang san ủi, làm kè đổ đất lấn bờ sông xây biệt thự để bán. Dự án này gồm 128 căn nhà phố liền kề kinh doanh, 78 căn biệt thự mặt tiền sông Hàn với diện tích từ 240m2 trong khuôn viên rộng 117.311m2, theo Tuổi Trẻ.

Trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã phê duyệt cho xây dựng nhiều resort ven biển, che kín lối đi xuống biển của người dân địa phương. Việc này đã trở thành đề tài nóng trên báo chí chính thống và mạng xã hội trong suốt một thời gian dài. Nhiều hộ dân ở Đà Nẵng muốn đi xuống biển chỉ còn cách trèo tường.

Để giải quyết tình trạng này, sau nhiều lần họp bàn cách giải quyết, chính quyền Đà Nẵng mới đây lại ký duyệt dự án trị giá hàng chục tỷ đồng để mở lối đi xuống biển cho người dân và du khách, theo Công an Nhân dân.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà mới đây cho biết rằng "các doanh nghiệp rất đồng thuận với chính quyền" trong việc "quy hoạch lối xuống biển cho người dân tại khu vực dự án của mình", theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 12/4/2019.