Sau 10 năm đòi đất, người dân Dương Nội được gì?

  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt
Việt Nam, đất đai, Dương Nội

Nguồn hình ảnh, Trinh Ba Phuong

Chụp lại hình ảnh,

Vụ cưỡng chế đất tại Dương Nội năm 2010 dẫn đất các vụ biểu tình, kiện tụng kéo dài cả chục năm của người dân mất đất

Cuộc họp kéo dài 1 tiếng giữa chính quyền và người dân Dương Nội mất đất hôm 17/4 được xem là cuộc họp "cột mốc" sau 10 năm đấu tranh đòi đất.

Khoảng 100 người dân xã Dương Nội, Hà Nội đã tập trung trước cổng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại số 1 Ngô Thị Nhậm, Hà Nội hôm 17/4 để biểu tình.

Đây là những người nông dân mất đất canh tác từ 10 năm trước, đến chờ nghe biện pháp giải quyết của chính quyền trong một cuộc họp kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, từ 10:00 - 11:00.

Livestream do ông Trịnh Bá Phương, một người dân Dương Nội ghi lại hôm 17/4, cho thấy nhóm dân nhiều người là phụ nữ, có người tóc đã bạc trắng, mặc trên người những bộ quần áo bạc màu, tay giương cao các biểu ngữ đòi đất.

Bà Cấn Thị Thêu, người đại diện cho một nhóm dân Dương Nội mất đất, hô vang các khẩu hiệu "Dương Nội quyết tử giữ đất", "Đà đảo cộng sản độc tài tham nhũng."

Đám đông đồng thanh hô vang "đả đảo! đả đảo! quyết tử! quyết tử!". Không thấy có bóng dáng nhân viên an ninh nào khi cuộc biểu tình diễn ra.

Sẽ đòi được đất?

Nguồn hình ảnh, Trinh Ba Phuong

Chụp lại hình ảnh,

Cuộc biểu tình đòi đất của dân Dương Nội sáng 17/4/2019 trước Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương ĐCS VN

Trao đổi với Mỹ Hằng của BBC ngay sau khi từ cuộc họp trở về, bà Cấn Thị Thêu nói cuộc gặp này mang tính 'cột mốc' đối với người dân Dương Nội.

Lý do là sau gần 10 năm đấu tranh, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm việc trực tiếp với người dân để đi đến 'xử lý dứt điểm vụ Dương Nội'.

Một vài cuộc gặp vào năm 2012 giữa chính quyền với dân Dương Nội sau đó không mang lại kết quả gì ngoài khiếu kiện kéo dài. Đỉnh điểm là việc Thanh tra Chính phủ từng ra văn bản số 1078 gửi Thủ tướng chính phủ, trong đó phủ nhận gần như toàn bộ các khiếu nại của dân Dương Nội.

"Nay Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ gặp người dân chúng tôi để một lần nữa nghe lại các khiếu nại của chúng tôi, cho thấy chính quyền đã buộc phải vào cuộc thụ lý vụ việc chứ không làm theo bản kết luận 1087 trước đây," bà Cấn Thị Thêu nói.

"Đó là nhờ thời gian qua, vụ việc hàng trăm người dân Dương Nội mất nhà, mất đất canh tác, sống nghèo khổ, không việc làm đã trở thành tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế, các tổ chức nhân quyền và cộng đồng kiều bào. Chính điều đó đã gây sức ép khiến chính quyền phải tiếp tục giải quyết vụ việc," ông Nguyễn Bá Phương nói với BBC từ Dương Nội.

Theo tường thuật của bà Thêu, trưởng phòng Tiếp công dân của Thanh tra chính phủ là bà Trà đã trực tiếp nghe lại toàn bộ nội dung khiếu nại của bà con Dương Nội.

Hiện có khoảng 356 hộ dân Dương Nội không nhận tiền đền bù đất, tiếp tục khiếu kiện suốt 10 năm qua.

Theo bà Thêu, trước đây đã từng có một vài cuộc gặp giữa chính quyền và dân Dương Nội nhưng các cuộc họp đều chỉ dừng lại ở các thông báo sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc mà không thấy làm gì trên thực tế.

"Mặc dù đây được coi là một cuộc gặp quan trọng với chúng tôi sau thời gian dài đấu tranh, nhưng kết quả có thế nào chúng tôi cũng không còn ngạc nhiên nữa. Nếu họ tìm cách giải quyết cho chúng tôi thì tốt. Còn nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến hơi thở cuối cùng, vì chúng tôi chẳng còn gì để mất," bà Thêu nói với BBC.

"Chính sách thu hồi đất bất công này đã đẩy người dân Dương Nội vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo. Với người sống thì chính quyền cướp đất, người chết thì phá tan tành mồ mả. Người bị mất đất thì không được sắp xếp việc làm khiến thất nghiệp, tan tác các nơi làm thuê, làm mướn."

"Chúng tôi là nông dân, mà tư liệu sản xuất của người nông dân là đất đai. Chúng tôi yêu cầu được trả lại đất. Cướp đất là vi phạm pháp luật, hiến pháp," bà Thêu - một nông dân chính gốc 10 năm nay đã chuyển hẳn sang 'nghề' đi khiếu kiện đòi đất, nói với BBC.

"Nếu đẩy chúng tôi vào cảnh thất nghiệp đói nghèo, thì khi người dân không chịu được nữa sẽ tức nước vỡ bờ, nhấn chìm chế độ tàn ác, bất công này. Sẽ còn rất nhiều những Lê Đình Kình, Đặng Văn Hiến, Đoàn Văn Vươn… "

Sự việc Dương Nội 10 năm nhìn lại

Từ buổi sáng chính quyền cho xe ủi đến san phẳng vườn tược nhà bà Thêu tới nay đã 9 năm. Bà Thêu không bao giờ quên được mình đã từng bị bỏ tù tới hai lần vì đòi giữ lại đất.

Việc bà Cấn Thị Thêu bị san phẳng vườn tược và đất đai Dương Nội chưa từng bớt nóng suốt 10 năm qua. Trở thành một trong những vụ điển hình về chính sách thu hồi đất đai gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống của dân.

Từ một gia đình thuần nông, nay cả nhà bà Thêu có thêm kinh nghiệm 10 năm đi khiếu kiện. Các văn bản, pháp luật, điều khoản Hiến pháp liên quan đến đất đai họ đều thuộc làu làu.

Gần 10 năm nhìn lại, bà Cấn Thị Thêu cung cấp cho BBC 5 điểm chính mà người dân Dương Nội trình bày trại trụ sở Tiếp công dân hôm 17/4, cũng là nội dung khiếu kiện nhiều năm nay:

Thứ nhất, quá trình thu hồi đất các cấp, các ngành của xã Dương Nội không tổ chức họp dân một cách dân chủ, minh bạch.

Thứ hai, dân Dương Nội không được tham gia góp ý kiến khi chính quyền lập phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, chính quyền không bố trí được công ăn việc làm cho người dân bị tịch thu đất như hứa hẹn, dẫn tới hàng ngàn dân Dương Nội thất nghiệp.

Thứ tư, chính quyền không giao quyết định cưỡng chế, hoặc ra quyết định cưỡng chế không chính xác, nhưng vẫn tiến hành cưỡng chế đất bằng cách đem máy xúc, máy ủi, công an tới phá tan hoa màu, đánh đập những người dân chống đối.

Thứ năm, thu hồi đất vĩnh viễn nhưng không quy hoạch khu đất giãn dân theo luật định khiến các hộ dân mới phát sinh ở Dương Nội không có chỗ ở.

Dân Dương Nội cũng đề nghị được hỗ trợ bằng 60% đất trên tổng số diện tích đất bị thu hồi để sớm ổn định cuộc sống.

Đất Dương Nội giờ ra sao?

Theo các văn bản của chính quyền Việt Nam, đã có 360ha đất nông nghiệp ở Dương Nội bị thu hồi và 'bán sạch' cho doanh nghiệp. Tại phần đất này nay đã mọc lên các tòa nhà thương mại.

Đã có một số hộ dân trong tổng số 17.000 người mất đất ở Dương Nội nhận tiền đền bù. Nhưng vẫn còn gần 400 hộ không chịu nhận tiền nên tiếp tục khiếu kiện.

Do không lấy được chữ ký của các hộ này, khu đất đã bị tịch thu không thể được hợp thức hóa để phân lô, bán nền, nên hiện chính quyền đã cho làm hàng rào bằng tôn và để không đấy, theo ông Trịnh Bá Phương.

Nơi trước đây là đồng ruộng xanh tươi của dân Dương Nội, nay là những bãi đất trống chỉ chờ được 'hợp thức hóa' là sang tên cho doanh nghiệp.

Mất đất, người trẻ ở Dương Nội phiêu bạt các tỉnh thành để làm thuê, làm mướn.

Riêng gia đình bà Cấn Thị Thêu, do có trang trại trồng bưởi ở Hòa Bình nên gia đình không đến nỗi phải ly tán để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên do tham gia khiếu kiện, con trai bà Thêu là Trịnh Bá Tư học ngành thể thao ra trường 'không ai dám nhận'. Còn Trịnh Bá Phương thì tìm được nghề bán cua ở chợ làng.

Có bao nhiêu vụ như Dương Nội?

Sau vụ bà Thêu, còn một loạt các vụ việc tương tự như vụ Đoàn Văn Vươn, vụ đất Đồng Tâm, Đoàn Văn Hiến, Thủ Thiêm, và mới nhất là Vườn Rau Lộc Hưng.

Tờ New York Times trong một bài báo về vụ Đồng Tâm năm 2017, viết rằng tranh chấp đất đai là vấn đề chính trị của Việt Nam, nơi mà luật pháp cho rằng đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng quyền sử dụng lại là của nhà nước.

"Các tranh chấp đôi khi trở thành bạo lực, buộc các quan chức cấp tỉnh hoặc thậm chí quốc gia phải can thiệp."

Năm 2013, Việt Nam đã điều chỉnh luật đất đai theo cách nhằm minh bạch hóa vấn đề này. Một cuộc khảo sát do Liên Hợp Quốc tài trợ về hành chính công ở Việt Nam sau đó cho thấy tỷ lệ công dân báo cáo về việc bị tịch thu đất ở Việt Nam đã giảm nhẹ, xuống còn 6,8% số người được hỏi trong năm 2016 so với hơn 9% vào năm 2013, cho thấy luật pháp có thể giúp giảm bớt tình trạng cán bộ địa phương tịch thu đất của dân.

Nhưng các chuyên gia nói rằng tranh chấp đất đai vẫn tiếp tục, một phần, bởi vì Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 của Việt Nam không cho phép sở hữu tư nhân, hoặc không đưa ra các định nghĩa rõ ràng thế nào thì đủ điều kiện coi là lợi ích công trong các vụ tịch thu đất đai của dân.

Chính quyền nói gì?

Báo chí chí thống của Việt Nam hầu như không đề cập đến vụ việc của Dương Nội trong mấy năm gần đây, dù các vụ khiếu kiện vẫn kéo dài từ năm 2010 - thời điểm đất đai của họ bị thu hồi - tới nay.

Một bài tường thuật từ năm 2012 của VNExpress cho hay Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 1078 năm 2012, trong đó nói "kiến nghị của người dân có "một số nội dung đúng" song cũng có "một số cái sai".

Theo đó, thanh tra kết luận có 4 trong 6 nội dung kiến nghị là "không có cơ sở". Và cho rằng việc thu hồi đất đã được "tổ chức thực hiện đầy đủ về trình tự thu hồi đất" theo luật định, đã tổ chức đối thoại, họp dân; đã đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho một số người dân…".

Các 'sai sót' của chính quyền được chỉ ra trong kết luận này gồm việc cán bộ Dương Nội 'sử dụng chưa đúng pháp luật" số tiền 22,6 tỷ đồng từ việc kê khai chênh lệch đất dự án.

Ngoài ra, UBND quận Hà Đông chưa giao đất dịch vụ cho các hộ dân đủ tiêu chuẩn để họ kinh doanh; và để số người bị thu hồi đất nông nghiệp khó tự tìm việc khi chuyển đổi nghề.

Thanh tra chính phủ thừa nhận "việc không gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi đã tổ chức cưỡng chế là chưa đúng", nhưng nói sai sót mang tính 'thủ tục', "không làm thiệt hại quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất".

Riêng việc giải tỏa, cưỡng chế phạm đến mồ mả một số hộ dân ở Dương Nội, Phó tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho rằng: "Đây là điều đáng tiếc, anh em quá tay. Nếu chậm cưỡng chế một tý thì tốt hơn", theo VNExpress.