Việt Nam: Đỉnh dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước?
- Quốc Phương
- BBC News Tiếng Việt, London
52390880

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/3 ký Chỉ thị 16, yêu cầu thực hiện 'cách ly toàn xã hội' trong thời gian 1-15/4
Có thể Việt Nam sẽ phải nghĩ tới việc 'sống chung với lũ' trước virus corona chủng mới, trong khi đỉnh dịch Covid-19 do virus này gây ra vẫn còn có thể ở phía trước, theo một chuyên gia về dịch tễ học và chính sách y tế, sức khỏe cộng đồng.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 21/04/2020 từ nơi đang thăm viếng là Austin, Texas, Hoa Kỳ, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn cho rằng trong bối cảnh chưa tạo ra vắc-xin, ở Việt Nam rất có thể những ai chưa bị lây nhiễm vẫn có thể bị lây nhiễm bởi virus corona.
"Phải nói rằng trước hết dịch bệnh lây nhiễm và bản thân cúm corona Vũ Hán này sẽ còn xảy ra, đấy là điều khẳng định về mặt khoa học, bởi vì đây là bệnh mới mà con người chưa tiếp xúc trước đó.
"Nên những ai chưa nhiễm, thì trong tương lai, thời gian tới, vẫn có nguy cơ lây nhiễm, đấy là khẳng định thứ nhất.
"Việc chúng ta phòng chống là để ngăn ngừa sự lây lan và ngăn ngừa áp lực đối với hệ thống y tế, chứ chúng ta chưa mong đợi được là chặn hẳn, chấm dứt việc lây nhiễm của con virus này, chừng nào chưa có vắc-xin."
Sống chung với lũ?
Theo chuyên gia dịch tễ học này, những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy rằng bản thân vấn đề miễn dịch tạo được sau khi nhiễm virus cũng không phải là hoàn toàn khả quan để có thể hy vọng được là vắc-xin có thể "chống đỡ" được dịch bệnh, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn nói tiếp:
"Nhưng như tôi đánh giá là hiện nay chúng ta phải nghĩ đến một phương án nói vui là sống chung với lũ, tức là phải sống với sự tồn tại của con virus này, khi nó đã vào được thế giới này.
"Điểm thứ hai, nhìn đến thực tế trong thời gian vừa qua, có thể nói đây là một loại dịch mới, cho nên các vấn đề về các xét nghiệm, chẩn đoán đều là trong quá trình mới phát triển, cho nên phải chấp nhận là trong điều kiện dịch bệnh, các xét nghiệm mới phát triển, thì mức độ, yêu cầu, tiêu chuẩn, giá trị xét nghiệm trong khoa học có thể chưa thực hiện được đúng các quy chuẩn, hoặc đòi hỏi.
"Tức là tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả, có thể là chúng ta chưa xác định được rõ và nó vẫn còn lẫn lộn, ảnh hưởng đến các kết quả.
"Vì thế cho nên tôi đặt ra vấn đề như thế này, bây giờ nhìn vào kết quả có hai khả năng xảy ra, một là quả đó chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn đúng, hoặc là cũng có thể gấp lên một vài lần, nhưng mà nhìn chung như thế là chấp nhận được."