VN: Ông Nguyễn Đức Chung hầu tòa, đề nghị triệu tập nguyên Phó chủ tịch Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ông Nguyễn Đức Chung (trái) trong một lễ ký kết hợp đồng hợp tác với đối tác nước ngoài hôm 26/10/2019, khi ông còn là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Sáng 10/12, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày. Chủ tọa là ông Trần Nam Hà.
Đồng bị cáo với ông Nguyễn Đức Chung gồm Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic (Công ty Arktic), và Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội).
Cả ba đều bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù.
Có tổng cộng 11 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo. Riêng ông Chung có 5 luật sư.
Phiên tòa có đại diện Công ty thoát nước Hà Nội với tư cách là nguyên đơn dân sự và nhiều tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, như UBND TP Hà Nội, Công ty Arktic, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung)…
Cựu Chủ tịch Hà Nội nói gì?
Trong phần thủ tục, ông Nguyễn Đức Chung kiến nghị HĐXX cho triệu tập một số người có mặt ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, chiều 31/7/2016. Họ đóng vai trò đề xuất, đàm phán việc mua chế phẩm Redoxy 3C.
Theo ông Chung, những nhân vật này gồm nguyên Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, ông Chiến (Phó chánh Văn phòng UBND thành phố) và bà Hiền (cán bộ Công ty Thoát nước).
Mục đích là để luật sư hỏi rõ hơn về diễn biến buổi thử nghiệm hóa chất hôm đó.
"Tôi đề nghị các luật sư cung cấp cho tòa toàn bộ bản dịch, băng ghi âm tôi cùng anh Hùng và lãnh đạo UBND cùng sở, ngành tiếp ông Tổng giám đốc Công ty Watch Water chiều 25/6/2016 tại UBND Hà Nội", ông Chung trình bày.
Theo Zing.news, ông Chung còn đề nghị luật sư cung cấp nhiều văn bản liên quan vụ án, trong đó có Nghị quyết 31 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về công tác xử lý ô nhiễm môi trường năm 2017.
Cáo trạng nói gì?
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2016, UBND TP Hà Nội có chủ trương tìm công nghệ tiên tiến để cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ tại Hà Nội.
Ông Chung thời điểm đó là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức) và đặt hàng doanh nghiệp này sản xuất chế phẩm Redoxy 3C.
Sau đó, ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội - mua chế phẩm Redoxy 3C, nhưng không mua trực tiếp mà thông qua Công ty Arktic. Đây là công ty do vợ ông Nguyễn Đức Chung góp vốn và con trai đứng tên.
Viện KSND tối cao khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Chung có "động cơ vụ lợi" trong vụ việc, đồng thời quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy 3C trái pháp luật và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, để Công ty Arktic được hưởng lợi nhuận không chính đáng, gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của ông Chung, ông Võ Tiến Hùng nói với cấp dưới tại Công ty Thoát nước ký 15 hợp đồng mua Redoxy 3C với đối tác Arktic khi chưa được UBND thành phố phê duyệt.
Bị cáo Giang, khi đó là giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic có vai trò tham gia xuyên suốt quá trình thử nghiệm, mua bán chế phẩm như một cán bộ của thành phố.
Cáo trạng cho rằng ông Giang có mối quan hệ thân thiết với gia đình ông Chung, tham gia mua bán lòng vòng phần vốn góp của Arktic để che giấu hành vi phạm tội của bản thân và ông Chung. Giang còn sử dụng tiền của Arktic để tặng quà và tài trợ cho một số cơ quan theo yêu cầu của ông Chung.
Các bị cáo Hùng, Giang được đánh giá là "hợp tác tích cực, chủ động khai báo làm rõ bản chất vụ án" nên được đề nghị xem xét giảm nhẹ.
Ông Chung không thừa nhận sai phạm. Tuy nhiên ông có nhiều thành tích công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên được đề nghị xem xét đánh giá trong quá trình xét xử.
Đây là vụ án thứ hai mà cựu chủ tịch Hà Nội bị xét xử.
Tháng 12/2020, ông Chung bị tuyên 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan Công ty Nhật Cường.
Ông Chung còn phải đối mặt với vụ án thứ ba với cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.