Skip to main contentAccess keys helpA-Z index
BBCVietnamese.com
chinese
russian
french
Other Languages
 
07 Tháng 1 2009 - Cập nhật 18h08 GMT
 
Gửi trang này cho bè bạn   Bản để in ra
'Hàng nghìn' nông dân biểu tình
 

 
 
Lễ khởi công dự án khu Đô thị Văn Giang (ecopark.com)
Dự án khu đô thị, thương mại, du lịch Văn Giang hay Ecopark có trị giá 6 tỉ đôla
Tin cho hay 'khoảng 2.000' nông dân ở các xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong địa bàn dự án 500 ha Khu đô thị, thương mại và du lịch Văn Giang, đã phản đối chính quyền cưỡng chế thu hồi ruộng đất của họ.

Các nhân chứng cho BBC biết, rạng sáng ngày thứ Tư, 07/01, trong một động thái bất ngờ, chính quyền địa phương huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên đã huy động nhiều xe cơ giới, trong đó có các xe ủi, máy xúc v.v... san lấp ruộng đất và phủ cát ở khu vực đất tranh chấp thuộc ba xã.

Hàng trăm cảnh sát, an ninh, vẫn theo các nhân chứng, đã hộ tống các xe cơ giới trên phần đất nông nghiệp của các hộ dân ở ba xã với lý do làm đường phục vụ dự án.

Người dân cho hay, nhiều nông dân địa phương sau khi biết tin đã kéo tới cánh đồng và các địa điểm bị san ủi, nhiều người trong số đó mang theo cuốc, xẻng, gây gộc.

"Nhiều người đã xông vào cản đường không cho máy xúc làm việc tiếp và phản đối cảnh sát. Họ hô to các khẩu hiệu, gọi cảnh sát và chính quyền là những kẻ cướp ngày", một người dân nói với BBC.

Trong lúc phản đối, có tin nói, một phụ nữ thuộc xã Phụng Công đã bị hành hung và bị thương nặng, buộc phải vào bệnh viện cấp cứu.

 Phải cưỡng chế vì tuyên truyền vận động mãi rồi, người ta vẫn không thực hiện
 
Chủ tịch xã Cửu Cao, Lê Văn Chắt

Thế nhưng, đại diện cho Chính quyền địa phương, ông Lê Văn Chắt, chủ tịch UBND xã Cửu Cao, một trong ba xã 'điểm nóng', không cho rằng có bất cứ sự việc nghiêm trọng nào xảy ra. Ông nói với BBC:

"Không xảy ra vấn đề gì cả. Đương nhiên cưỡng chế phải có công an, an ninh và bảo vệ. Phải cưỡng chế vì tuyên truyền vận động mãi rồi, người ta vẫn không thực hiện, thì theo quy định của pháp luật, từng bước phải cưỡng chế."

'Phải hỏi dân'

Ông Chắt cho biết thêm: "Đây là cưỡng chế đường, không phải cưỡng chế đất đô thị. Quy định của Thủ tướng ra 4 năm nay rồi. Người ta không bàn giao, nên bây giờ buộc phải cưỡng chế. Còn vì sao người ta không đồng ý thì cái đó phải hỏi dân."

Người dân các xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao cho hay nông dân không đồng ý với mức đền bù và cách thức trưng dụng đất của Chính quyền để xây khu đô thị, thương mại, du lịch.

Theo họ, mức đền bù 150.000 đồng/m2 đất (hay khoảng 50 triệu đồng/sào đất) cho đất nông nghiệp đang canh tác của họ để chuyển sang phục vụ dự án đô thị, thương mại, du lịch, là không thoả đáng.

Trong năm 2008 đã có tới cả nghìn vụ phản đối lớn nhỏ
Một vụ phản đối của người dân Hải Dương

Một người dân địa phương nói: "Nhiều hộ dân hiện tại chưa ai đồng ý cả, chỉ có một số người. Đất là máu thịt của người dân. Bây giờ bán đi, người ta sống bằng gì? Bây giờ họ đang đổ lấp đất. Họ ăn cắp trắng trợn."

"Họ làm từ tối, tất cả dân không ai biết gì cả," nhân chứng này cho biết, "Sáng dân làng biết kéo lên thì họ đã đổ xong, sau họ rút về hết. Họ ủi bằng phẳng hết cả ruộng. Hiện tại dân làng đang cắm lều trại trên đó. Tối phải canh ở đó suốt cả đêm, ăn ngủ trên đó suốt. Hôm nay lên đó tầm mấy nghìn người ở mấy xã liền."

Một người dân khác ở xã Cửu Cao cho BBC Việt ngữ biết người dân bức xúc vì thiệt thòi, lo lắng mất ruộng và mất kế sinh nhai nhưng ý kiến của họ không được nhà nước lắng nghe. Bà nói:

"Lấy thì phải lấy vừa phải thôi, lấy hết thì phải đảm bảo quyền lợi, đời sống cho nhân dân. Chứ bây giờ, như nhà tôi chẳng hạn, hai cháu nhỏ không có ruộng, hai vợ chồng mỗi người được một suất. Bây giờ lấy hết, chúng tôi lấy gì mà ăn?"

 Giấy ghi là mời ra 'nghe', thế nhưng khi chúng tôi phát biểu, chủ tịch xã quát không cho phát biểu
 
Người dân xã Cửu Cao

"Dự án này chúng tôi nghe nói từ năm 2004. Cho đến tận năm nay mới có những giấy nọ giấy kia, đưa ra xã để họp," nữ nông dân này thuật lại, "Giấy ghi là mời ra 'nghe', thế nhưng khi chúng tôi phát biểu, Chủ tịch xã quát không cho phát biểu. Thế thì làm gì có sự họp bàn để có đồng thuận của nhân dân được."

Động thái bất thường

Trên thực tế, sự việc vụ cưỡng chế đất ruộng, dẫn tới phản đối và tranh chấp giữ đất của người dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, huyện Văn Giang với Chính quyền đã kéo dài từ năm 2006.

Cách đây một năm, vào tháng 1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu tiếp tục dự án sau nhiều tháng tiến độ bị chậm trễ do khâu đền bù không được người dân nhất trí.

Sơ đồ quy hoạch tổng thể dự án khu đô thị Văn Giang
Sơ đồ quy hoạch tổng thể dự án khu đô thị Văn Giang

Ngày 30/12, vừa qua, hai ông Lê Thanh Hậu và Nguyễn Văn Triệu, trưởng và phó thôn Hạ, xã Cửu Cao, đã bị Toà án Tỉnh Hưng Yên xử tù 1 năm vì tội 'gây rối trật tự' dù dư luận của người dân địa phương cho rằng hai ông chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân.

Theo giới quan sát trong nước, năm 2008 và vài năm gần đây đã diễn ra hàng nghìn vụ phản đối, khiếu nại và biểu tình lớn nhỏ của người dân ở nhiều khu vực nông thôn và đô thị trong cả nước, phản đối các chính sách và cách thức thu hồi, trưng dụng, trưng mua ruộng, đất của nhà nước.

Vài năm gần đây, nhiều chuyên gia về chính sách nông nghiệp cũng như xã hội học trong nước đã lưu ý rằng nhà nước cần xem lại cách thức trưng dụng ruộng đất nông nghiệp, canh tác của người dân nhằm tránh các nguy cơ về an ninh lương thực và bất ổn xã hội.

Vụ việc mới diễn ra tại khu đô thị Văn Giang nổ ra đúng vào thời điểm tại Hà Nội đang diễn ra Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng Khoá X, cho thấy bước sang năm 2009, mâu thuẫn lợi ích giữa chính quyền và người dân về các vấn đề đất đang tiếp tục tạo nên các điểm nóng ở Việt Nam.

Dư luận cũng đặt giấu hỏi về sự bất thường của động thái cưỡng chế này của chính quyền tỉnh Hưng Yên ở một địa điểm chỉ cách trung tâm Hà Nội 13 km.

Vì thông thường, trong thời điểm diễn ra các phiên họp quan trọng của Đảng và Nhà nước, chính quyền thường tránh không để xảy ra các vụ việc gây xôn xao dư luận, bất lợi cho Đảng.


Nobody
Xin lỗi lời bình luận của anh DPC không được chính xác lắm! Có thể những gì anh nhìn thấy khác với tôi nhìn thấy.

Nhưng trong dự án này tôi được biết. Những người đứng đầu ở cuộc biểu tình này, họ không giấu mặt. Họ đang bảo vệ lợi ích của người dân vùng này. Bản thân họ còn bị dùi cui điện dí vào bụng, bọn XHĐ đe doạ nữa kìa.

Họ đứng lên 1 phần vì quyền lợi của họ, còn phần chung cho những con người nơi đây.Vì trong dự án này việc thu hồi đất có nhiều uẩn khúc và không được minh bạch.

Linh Nhi
Tôi sinh ra và lớn lên ở Văn Giang cho dù hiện nay tôi đang sống và làm việc ở nơi khác. Tôi rất lo khi nghĩ đến dự án khu đô thị Văn Giang. Mọi bài viết ở đây đồng tình với dự án này đều không hiểu đất và người Văn Giang vì những lý do sau:

Thứ nhất: Người dân ở đây không phải sống bằng nghề trồng lúa mà đã từ lâu đã chuyển đổi cây trồng sang cây cảnh nên thu nhập hàng năm của mồi gia đình đều khá cao. trên cái mức mà dự án đền bù.

Thứ hai chủ dự án là người rất tham lam bằng việc thu hết 500 ha. Người dân Văn Giang cũng dễ đồng tình khi họ chỉ lấy đi một phần ruộng đất còn phải để lại cho người dân còn sinh nhai nữa chứ.

Thứ ba phần lớn những người hiện nay đồng ý với dự án là những công chức Nhà nước và những người lười lao động. Đối với công chức nhà nước không đồng ý đồng nghĩa với bị đuổi việc còn đối tượng còn lại trong xã hội ở đâu cũng có họ thấy tiền là sáng mắt lên.

Dove
Cái gì của Ceasar thì phải trả cho Ceasar. Vậy đất của nông dân thì phải trả cho nông dân thôi. Cái quyền sở hữu đương nhiên đó của nông dân đã từng bị chính trị hoá theo kiểu CNCS, nhưng mà chẳng đi đến đâu. Nay thì nhiều vị lai muốn chính trị hoá nó theo lối TBCN.

Nói thật nhé, tôi ghét cái thứ CNTB đang bốc mùi ở Iraq, Gaza và ...ngay ở chính các dự án nữa Vậy xin lỗi,nếu nông dân không muốn bán đất cho dự án thì hãy để họ được yên thân. Những người lỡ bán đất "không văn tự" mà đòi lại thì phải trả. Chỉ đơn giản vậy thôi họ là chủ mà.

DPC
Một điểm đáng phải kể đến ở đây là nhận thức cơ bản của người dân về Luật đất đai nói chung và lĩnh vực đền bù, GPMB nói riêng.

Từ những khái niệm nhỏ nhất như mục đích sử dụng đất người ta cũng không nắm rõ, rồi từ đó vô tình đánh đồng tất cả các loại đất như nhau và dẫn đến các đòi hỏi quá đáng trong lĩnh vực xác định giá trị đền bù.

Rồi khung giá đất ở các địa bàn hành chính là khác nhau, mặc dù chỉ cách nhau một đường ranh giới, nhưng giá trị làm sao giống nhau được?

Đáng chê trách và lên án là những kẻ cơ hội đứng sau lưng xúi giục bà con, xuyên tạc thông tin, hướng bà con nông dân tham gia vào những vụ chống đối hết sức phi lý.

Tôi khẳng định, những kẻ vỗ ngực xúi dại bà con chưa bào giờ dám ra mặt đứng ra đại diện cho bà con bảo vệ những quan điểm mà họ đã xúi giục bà con chống đối. Để đến khi việc đã rồi, bà con nông dân mới hiểu ra tất cả thì đã muộn. Khoan vội đánh đồng tất cả vào chính trị, đó vẫn chỉ đơn thuần là cách ứng xử, cách thể hiện sự hiểu biết của bản thân đối với các chế độ, chính sách của nhà nước mà thôi.

Dân trí còn như vậy, văn hóa còn như vậy thì làm sao có đủ nền tảng cho một sự thay đổi đột biến nào đó như một số người đã vội quy kết? Tôi đã chứng kiến một chị gái (tầm khoảng 40 tuổi), đứng sau lưng và đẩy một cụ già khoảng 70 tuổi vào hiện trường cưỡng chế với lý lẽ “bà vào thì không ai dám làm gì” làm tất cả mọi người có mặt ở đó thực sự bất bình, kể cả bản thân cụ già!

Nobody
Việc cưỡng chế là biện pháp bất đắc dĩ, không phải ở dự án này mà dự án nào cũng vậy. Người dân đã rất thái quá trong việc đòi hỏi các quyền lơi trong việc đền bù, làm sao có chuyện đất trông lúa lại có thể được đền bù như đất ở?

Trong khi đó, mức đền bù mà Chủ đầu tư đưa ra ở đây là đã rất cao trong khung đền bù của Nhà nước. Việc hỗ trợ các xã triển khai dự án dịch vụ cũng là một việc làm rất có ý nghĩa của Chủ đầu tư.

Tôi là người may mắn được tiếp xúc thực tế với cuộc cưỡng chế này, mới cảm nhận được rõ trình độ dân trí, nhận thức, văn hóa của một số nhỏ bộ phận người dân mình tồi tệ như thế nào! Bình thường, ngày 2/9 chả thấy nhà nào treo cờ tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ, vậy mà ngày hôm nay (cưỡng chế! ) họ sử dụng những cái đó như là một thứ vũ khí để chống lại chính quyền, rồi chửi bới tục tằn.

Nhân đây tôi cũng bày tỏ một nhìn nhận của mình: Một số tờ bảo đưa tin quá xuyên tạc, cứ phỏng vấn bừa một người dân nào đó rồi viết như thể những thông tin đó là hoàn toàn chính xác, gây nhiễu thông tin.

Thắng
Theo tôi, quan điểm của người dân khi có dự án về, giá trị đất trong khu vực tăng vọt, giá trị đền bù cũng cao hơn so với giá trị thực của đất trước đó nhưng người ta không hiểu mà chỉ thấy rằng so với đất các vùng phụ cận dự án tăng vọt thì quá nhỏ nhoi nếu không muốn so sánh giá trị chính mảnh đất ấy sau khi được đầu tư nó sẽ tăng thêm cả trăm lần.

Với chi phí đền bù thêm với xuất đầu tư trên m2 đất dự án thì chủ đầu tư sẽ thu được những món lợi khổng lồ. Không phải tự nhiên mà CĐT có được dự án.

Họ sẽ phải chi rất nhiều tiền để xin dự án. Với những dự án đại loại như Toà Khâm sứ, chợ 19/12 là những khu đắc địa chi phí chạy dự án có thể chiếm tới 20-30% Giá trị dự án. Nên có thể hiểu tại sao UBND TP HN lại phả! i thương lượng với CĐT điện lực để xin mảnh đất liền kề đền bù cho chủ dự án chợ 19/12. Sau khi có dự án CĐT còn phải tiến hành lập qui hoạch chi tiết 1/500 và trình phê duyệt (cái này cũng mất rất nhiều Xiền).

Tiếp đó CĐT lên phương án đền bù giải toả. Nhiều khi họ cũng mất rất nhiều tiền cho cái gọi là cưỡng chế GPMB gồm CQ, CA, chó nghiệp vụ... trước là để rằn mặt dân đen sau là để thuân lợi giải toả.

Sau khi có mặt bằng, nhiều quan lại còn xin đểu vài mảnh đất dự án cho vợ con quan. Đôi khi người nhà quan mượn danh nghĩa mua hộ vài xuất với giá kinh doanh để ăn chênh lệch. Những khoản này CĐT chỉ biết ngậm đắng nuốt cay không kêu được.

Người Văn Giang
Thực ra với vị trí khu vực như ba xã trên thì đô thị hoá là tất yếu. Nhưng tại sao người dân vẫn không thông, vẫn không ủng hộ.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Cứ nhìn đội ngũ chính quyền địa phương thì biết. Theo tôi là do mấy vị nắm quyền ở địa phương vừa tham lam, vừa dốt nát. Ăn không lên đọi nói không lên lời thì còn tuyên chuyền với giải thích cái nỗi gì.

Xem kỹ ra thì nói như rồng leo nhưng làm như mèo mửa. Nếu không có mấy phi vụ này thì làm gì có tiền.

Linh, Yokohama
Bác Countryman, South VN nói hay nhỉ. Bác có biết ở nông thôn miền trung và bắc, bình quân mỗi gia đình có bao nhiêu đất không.

Mỗi gia đình chỉ có một hai xào là nhiều rồi đó bác ạ, không có chuyện một hai mẫu như bác nghĩ đâu. Tuy không nuôi sống nổi gia đình như nó cũng giúp được phần nào gánh nặng cuộc sống. Không có cơm ăn thì họ cũng có cháo mà húp chứ. Bây giờ bát cháo cũng mất luôn thì họ sống sao đây.

TNT
Tôi là người dân sống bên cạnh 3 xã của vùng dự án nên nắm khá rõ tình hình. Nếu so với các dự án khác ở Hà Nội thì tổng mức đền bù của dự án Văn Giang cao hơn hẳn và không những thế nông dân giao nộp đất còn được hưởng phần đất dịch vụ và cơ hội được đào tạo để kinh doanh, cơ cấu lại ngành nghề, tái định cư.

Việc xây dựng tuyến đường là được Thủ tướng phê duyệt và ý nghĩa của tuyến đường đó với sự phát triển của Tỉnh Hưng yên thì ai cũng thấy là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên phản ứng của 1 bộ phận thiểu số người dân ở đây có phần thái quá. Đất giải tỏa là đất nông nghiệp mà họ đòi giá đền bù như đất ở là điều phi lý. Phản ứng của họ như bắt giữ người trái phép, tổ chức biểu tình, kích độn! g bạo lực là rất tiêu cực.

Cũng phải nói thêm, 80% các hộ dân đã nhận tiền đền bù. Chỉ còn số còn lại là ngoan cố. Cưỡng chế là biện pháp bất đắc dĩ. Việc cưỡng chế do Huyện Văn Giang làm, Tỉnh Hưng yên chỉ đạo và các xã phối hợp. Trước khi cưỡng chế chính quyền xã đã thông báo đến dân chúng đàng hoàng.

Nói đi thì phải nói lại, không phải Chủ đầu tư nào cũng làm ăn tử tế và không phải người dân nào cũng đều có nhận thức đúng đắn về sự việc.

Hoàng Anh
Tôi là người ở gần những nơi mà ta gọi là đô thị hoá. Người dan sau khi đền bù cầm tiên xây nhà mua xe máy là hết tiền rồi chẳng còn việc gì , lại phải đi làm thuê để sống. Mà làm thuê thì nói cho oai chứ đi làm cửu vạn hoặc thợ hồ thì thử hỏi nhiều như thế thì kiếm được bao nhiêu ? Sống không đủ ăn giá cả thì leo thang.

Tiền đất 150.000 đ/m2 lấy của nông dân nhưng sau khi thành khu đô thị thử hỏi là bao nhiêu tiền 1m2 nó phải gấp hàng trăm lầ đổ lên chứ không phải là ít hơn, người dân mất đất được gì ở đó chẳng được cái gì cả.

Còn đất thì có cái ăn chứ mất đất rồi thì thử hỏi lấy gì ra mà sống. Truyền hình đưa rất nhiều về cuộc sống của những người nông dân sau khi hết đất chẳng còn gì để làm cả vì người nông dân họ! c rất thấp không biết gì ngoài cày cấy cả bảo họ làm sao mà không lo cho số phận sau này của mình cho được vì "miệng ăn thì núi lở" chứ một hai tăm triệu bõ bèn gì ở thời cuộc bây giờ.

Người nông dân biểu tình là đúng, nếu lấy ất của họ ở chỗ này và cấp lại 1/2 số đất của họ ở chỗ khác thì thử hỏi họ có biểu tình hay không?

Pinochio
Xin trả lời các bạn lên tiếng chê bai nông dân chúng tôi: khoan nói đến chuyện đền bù hợp lý, chỉ nói đến Chính Phủ đã lo gì cho Nông Dân trước khi thu mua đất canh tác của họ để chuyển đổi mục tiêu sử dụng?

Không dạy nghề, không dạy chữ, không giúp họ kiếm được việc làm khác trước tiên mà lại để con dân tự thân chạy lo kiếm cách sống trong tương lai một cách mò mẫm.

Dù tiền có bạc tỉ thì cũng phải hết khi anh không "làm" mà chỉ "ăn". Và xin nhắc lại cho nhớ là Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo vẫn còn là quan trọng nên xin đừng phỉ báng Nông Dân chúng tôi! Không có nông dân miền Tây làm ra lương thực thì TP.HCM có tồn tại để sống "văn minh" không? Hãy nhớ lại thời kỳ ngăn sông cấm chợ đi các bạn!

Hùng
Tôi là người Văn Giang, khu đất thuộc 3 xã Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công thuộc một vùng quê sát ngoại thành Hà Nội.

Đất đai trù phú, người dân có nhiều nghề phụ đặc biệt là nghề trông cây cảnh và làm gốm. Giá đền bù 50 triệu đồng cho một sào Bắc bộ tôi đảm bảo với mọi người rằng, mức sinh lời từ đất đai bằng nghề trông cây cảnh quê tôi không dưới 100 triệu đồng một năm, và hiện nay bất kỳ ai về đây thuê đất cũng không thể dưới 15 triệu cho một năm.

Vậy mà người ta đền bù cho dân có 50 triệu đồng, trong khi đó dự án đã vẽ toàn là khu biệt thự, chung cư mà giá của nó không dưới 15 triệu một mét vuông. Tôi không bình luận gì về việc này, xong chỉ nêu hiện tượng như vậy.

Thử hỏi rằng ở vị trí của quý vị, quý vị sẽ hành động t! hế nào? Người dân quê tôi, bao năm lầm lũi, giờ mất đất họ sống sao đây, huống chi đây lại là vùng đất trù phú, đất đai màu mỡ, làng quê giàu truyền thống. Riêng khu vực này số dân lên đến 10 vạn. Vậy xin quý vị cho hỏi 10 vạn đân đi đâu?

N2T
Tôi sống ở nông thôn nên tôi hiểu nỗi khổ của nông dân. Thực sự ra thi việc thu hồi đất của nông dân, để xây dựng các công trình công cộng là một chủ trương đúng của nhà nước. Nhưng quá trình thực hiện thì lại được biến thái bởi những đại gia đầu cơ đất.

Đảng đâu có tính đén việc lấy đất rồi thì sau này người dân sẽ sông ra sao? Đảng chỉ muốn lấy đất của dân chia cho các đại gia giàu có. Đó là bản chất của Đảng Cộng Sản trong thờì bình.

Quyền dân chủ, dân sinh chỉ được thực thi trên sách vở và bằng lời nói. Hãy trả lại đất cày cho nhân dân.

Việt
50 triệu đồng/ sào là bằng nông dân dùng sào ruộng đó làm 50 năm rồi, giá đó cũng không phải quá rẻ đâu. Tuy nhiên cách "trưng thu" của chính quyền đại phương này cần phải xem lại.

Kindman
Tôi đồng ý với quan điểm của bạn "Người nhện, Nam Định" rằng ở VN có một hạng người làm giàu thật mau chóng: kinh doanh (đầu cơ) đất đai!

Biết bao nhiêu ruộng đất của người dân nghèo khổ bị ép "trả lại" chính quyền (đâu có quyền sở hữu đâu mà bán theo giá thương lượng?) với giá đền bù rẻ mạt.

Công trình nhà nước cũng được thực hiện cho lấy có, nhưng sau đó đất ruộng được phù phép trở thành tài sản thuộc quyền sử dụng của các...quan sở tại, hoặc của tư nhân giàu có khác. Chênh lệch giá đất có khi hàng vài trăm tỉ ai cũng rõ sẽ chui vào túi ai.

Ngày xưa Minh Phụng cũng vì cấu kết vay vốn NN để đầu tư (đầu cơ) vào BĐS, nhà cửa, đất đai, không lo chuyện may mặc là công việc chính của XN, mà phải "dựa cột" uổng đời.

Ngày nay, có một số "siêu đại gia" phất lên làm giàu mau chóng đến "khó hiểu" mà không cơ quan NN nào chịu bỏ công "tìm hiểu" nguồn gốc của số tài sản kếch sù kia của họ, chắc chắn phải liên quan đến việc cấu kết thông đồng với NN trong các dự án tầm "vĩ mô", trong đó có việc người nông dân phải "tự nguyện trả lại" ruộng đất đang canh tác với phần đền bù "rẻ bèo như cho không".


Người dân thấp cổ bé họng chỉ khi quyền lợi chính đáng của mình bị tước đoạt họ mới dám đứng lên chống lại chính quyền. Tôi là con em Phụng Công tôi biết sự thật việc thu hồi đất chỉ là mượn tay pháp luật kinh doanh đất đai. Xin BBC điều tra rõ sự thật đưa lên mặt báo hằng mong người dân được đối xử công bằng hơn.

Minh, Đức
Ngày xưa khi Đảng Cộng Sản chưa cướp được chính quyền thì họ thường tự cho mình cái chức đại diện cho giai cấp công nông, hô hào nào là "cướp giàu chia cho nghèo", đánh đuổi địa chủ hà hiếp, bóc lột, cướp của để được giành được lòng ủng hộ của nông dân.

Ngày nay, khi đã cướp chính quyền được thành công và lấy được thế tòan trị thì Đảng cộng sản đã biết thành những kẻ ác bác mới, quay lại đàn áp và cướp bóc của nông dân, cấm công dân đình công v.v.. Có như thế thì nông dân và công dân việt nam thấy rõ bộ mặt thật của ĐCS.

N.T. Hoa, Hà Nội
Bản chất việc thu hồi hay trưng thu của Nhà nước là lấy lợi ích của người bị thu hồi đất chuyển lợi ích cho người được giao đất.

Do đó, việc tái định, đền bù phải trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, chứ không phải là quyết định hành chính áp đặt và người dân có quyền được mưu cầu đối xử bình đẳng như các thành phần khác, kể cả đó là Nhà nước.

Nguyễn Thăng, Hà Nội
Tôi cũng là người dân Hưng Yên, chỉ có điều tôi ở huyện khác, và hiện đang công tác ở HN. Nhưng mà khách quan mà nói thì với giá đền bù 50tr/sào và được phép mua đất ở với giá ưu đãi là quá hợp lý. Vì thực tế từ lâu ruộng đất ở nông thôn không bao giờ đủ nuôi sống người dân. Một sào lúa khi thu hoạch mà trừ chi phí thì chẳng còn lãi là bao?

Và chẳng có thanh niên nào bây giờ còn ở quê làm ruộng, vì một năm cũng chỉ làm có vài ngày, còn lại chơi dài. Họ cứ đổ cho lý do nhà đông người không có việc làm, nay lấy hết đất thì không biết làm gì nhưng thực tế thì thanh niên bây giờ không ai còn làm ruộng nữa.

Lấy đất xây dựng đô thị chính là mang lại cơ hôi phát triển cho người dân, đặc biệt là người dân gần đó, vì khi đó sẽ tạo ra rất nhiều việc làm mới có thu nhập cao hơn, văn minh hơn. Tôi ước chi ở huyện tôi cũng có dự án phát triển khu công nghiệp chứ không đến mức phát triển khu đô thị như dự án trên, vì hiện nay nhà tôi cũng có ruộng, nhưng làm chẳng ăn thua nên cho họ hàng làm, không lấy tiền thuê.

Rocket
Sao tôi nghe cái kiểu cưỡng chế và lấy đất của dân nghèo... chia cho người giầu nó giống những gì thầy cô dạy lịch sử đã dậy tôi về bọn "Tư bản xấu xa" bần cùng hóa nông dân để tạo ra một lực lượng công nhân làm thuê cho Tư Bản quá. Thế quá trình cướp đất kiểu này cũng có ở một nước xã hội chủ nghĩa như VN sao? Nghe nói khu đô thị Văn Giang toàn là biệt thự lớn, chắc dân thường chẳng ai mua nổi rồi. Quý vị khán giả BBC cho tôi hỏi không biết ở các nước Tư Bản xấu xa có sự những kiểu lấy đất 'trắng trợn' như thế này không.

Pinochio
"Động thái bất ngờ", có gì lạ đâu nhỉ? Cũng giống như vụ tranh chấp ở bên Công giáo, chính quyền bất ngờ cho tiến hành xây dựng vườn hoa ào ào vậy. Vậy kỳ này ai đó có thể tự hỏi nên khen nữa hay không nhỉ?!

Linh - Yokohama
"Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Ông cha ta nói không sai tý nào. Ông chủ UBND xã cửu giao nói là đã tuyên truyền nhiều rồi nhưng không biết có tuyên truyền thiệt không. Hay là hăm dọa hoài mà nông dân không đi nên dở trò .. cưỡng chế. Phải coi kỹ lại hai chữ tuyên truyền của ông chủ tịch xã và chữ cưỡng chế của chính quyền.

Dan Thien, Cà Mau
Trung Quốc muốn lấy đât của VN thì cũng phải có văn bản rõ ràng. Còn mấy vị mang tiếng chính quyền lấy đất của dân lại lợi dụng đêm hôm để lấy, không có một văn bản nào thông báo đến nhân dân giờ cưỡng chế sẽ diễn ra vào lúc ấy. Chẳng lẻ mấy vị đày tớ của dân phục vụ lâu năm lại trở thành 'kẻ cướp' như thế sao. Thiết nghĩ, các vị có tài giỏi thì hãy tìm cách lấy lại đất Ải Nam Quan hoặc 'san lấp' Trường sa, Hoàng sa đi. Thiết nghị, lãnh đạo không nên chèn ép dân đen, nhượng bộ ngoại bang như thế.

Hà Nội, HN
10 người theo dõi BBC chắc 9 người không ở VN mà chủ yếu ở Mỹ. Còn tôi ở VN nên quá hiểu nông dân VN rồi. Tiền đền bù thì đền bao nhiêu họ cũng kêu là ít. Rồi lúc nhận tiền rồi thì mang ra mua xe, xây nhà, ăn chơi... Mỗi nhà cả trăm triệu đồng, thiếu gì cách để làm ăn. Nhưng khổ nỗi họ không chịu động não suy nghĩ, chỉ cầm tiền là hưởng thụ trước.

Các vị nào ở đây lớn tiếng phỉ báng nhà nước thì mời về nông thôn mà xem nông dân còn sành điệu hơn thành thị. Vậy tôi hỏi đời sống họ nếu đi xuống thì là do ai? Nhất là có những công trình quan trọng phục vụ cộng đồng bị chậm hàng năm trời chỉ vì một vài gia đình. Với những người dân nhận thức kém như thế, nếu lại còn "đa nguyên đa đảng" như mấy vị trên BBC "mơ ước" thì tình hình chính trị ở VN lúc đó còn tệ gấp cả trăm lần Thái Lan bây giờ.

Một chế độ chỉ tồn tại nếu nó còn phù hợp với thực tiến trong nước, còn nếu không thì nó cũng tự tiêu vong. Nước VN đang ngày càng đi lên chứng tỏ chế độ còn phù hợp, nên các vị ở "hải ngoại" chắc còn phải ngồi ấm ức dài dài.

Mẫn, Saigon
Ruộng đất là của tổ tiên để lại. Một sào ruộng không những giải quyết công an việc làm cho một gia đình mà còn có thể nuôi sống nhiều thế hệ. Với 50 triệu đồng/sào tiền đền bù thì chỉ nuôi được một gia đình trong một năm với mức sống nghèo khó.

Nông dân mất ruộng phải tràn lên các thành phố lớn để kiếm sống bằng những nghề mà họ chưa từng làm. Phát triển đô thị phải mang tính bền vững, phải giải quyết nơi ăn chốn ở, giáo dục dân trí và tạo công ăn việc làm cho người dân. Nếu chỉ vì lợi ích cục bộ của một vài dự án hay của đại công ty nào đó thì chắc chắn xã hội sẽ loạn.

Không nêu danh
Là một người xuất thân gia đình từ nông dân mà ra, tôi thấu hiểu nỗi lo mất đất của nông dân. Người nông dân chỉ có mỗi tư liệu sản xuất là đất nay mất thì họ biết làm gì?

Đành rằng đất nước muốn giàu mạnh thì không thể chỉ trông chờ vào mỗi nông nghiệp được. Nhưng cái cách lấy hết đất của dân để làm đô thị như ở An Khánh -Hoài Đức Hà Tây hay như ở Văn Giang là không ổn. Hàng vạn người dân sẽ biết làm gì? Sinh sống thế nào khi mất đất?
Khi lấy đất người ta thường vẽ ra viễn cảnh tươi sáng nhưng thực tế thì không phải vậy. Những nơi bị mất đất người nông dân được đền bù được ít tiền thì họ chẳng biết là gì đi mua xe máy, ti vi, làm nhà thế là hết vài năm sau cuộc sống bắt đầu khó khăn.

Tôi cò nhớ hồi cuối năm 2008 một vị giáo sư người Mỹ thuộc đại học danh tiếng ở đại học Ha-vợt đã trả lời nhà báo rằng lợi thế của Việt Nam là giá nhân công rẻ và nông nghiệp thế mà mọi người ở đây không biết lắng nghe. Có lẽ chỉ sau khi mất đất 1 hay 2, năm người nông dân mới thấu nỗi liềm không có đất.

Honesty TPHCM, VIETNAM
Xin nói thật giản dị. Tôi lấy của anh con gà, thì phải trả lại anh con gà hoặc chí ít phải là con vịt. Nếu lấy của anh xe xích lô, thì phải trả lại xe xích lô hoặc xích lô máy. Ở VN có luật nào qui định nợ 10 đồng có thể trả 5 đồng không?! Đành rằng trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, giải tỏa mặt bằng để phát triển dự án là việc không tránh khỏi. Song, không được vì thế mà xem nhẹ cuộc sống vốn rất nghèo khổ của nhân dân.

Đất nước là cơ sở hạ tầng (sông ngòi, đất đai...) và nhân dân là cấu trúc thượng tầng (chủ quản của tài sản đó). Tôi cho rằng chính phủ VN, hay nói chính xác hơn là ĐCSVN, chính là nguồn gốc của nhiều khó khăn cùng cực mà nhân dân VN đang phải gánh chịu sự vô cảm và tính thiển cận của họ. ĐCSVN hãy chính thức trưng cầu dân ý để biết ý Đảng có hợp lòng dân không? Nếu không, xin đừng tiếp tục tuyên truyền như vậy.

Trần Văn Thông, Pháp
Bà con hãy tự tỉnh thức và lo cho mình thôi.

Spiderman Nam Dinh, VN
Ngày xưa khi họ dùng bạo lực cách mạng để dành chính quyền thì họ lợi dụng nông dân và ngày nay khi họ đã có chính quyền trong tay thì họ không quan tâm đến 70% nông dân nữa. Họ đè đầu cưỡi cổ, bóp họng nông dân. Một sào đất ruộng sau khi san lấp chỉ bằng mấy xe cát bỗng chốc giá trị tăng lên gấp hàng chục lần, ai chẳng bức xúc, sót sa.

Giá đền bù thì bèo bọt và quan trọng hơn nữa từ trước đến giờ họ toàn làm đồng ruộng, giờ lấy đất của họ thì họ biết làm gì? Tại sao các doanh nghiệp bất động sản họ lại giàu như vậy? Tại sao Hoàng Anh Gia Lai nó lại giàu như vậy, là vì nó chỉ lo lót một ít là được các dự án đất đai lớn, trong khi đền bù ko đáng kể. Họ đang sống trên xương máu của bao nhiêu người khác.

Mun, VN
Liệu những vụ việc như thế này có phải do nguồn gốc "diễn biến hòa bình" gây ra hay không?

Mai,
150.000 đồng /mét vuông mà còn chê ít, mấy người dân này đúng là được voi đòi tiên! Hãy thử nhìn về xã Hòa Quí, Đà Nẵng bây giờ xem : Bán cho ông nguyễn Bá Thanh 1.000 mét vuông đất ruộng chỉ mua lại được đúng 35 mét vuông ngay trên mảnh đất mình vừa bán (không bán thì ...ở tù à?) Đất đai do nhà nước quản lý, dân chỉ có quyền sử dụng; bán cái mình không có được 150.000 đồng / mét dưới danh nghĩa đền bù là quá hời rồi!!

Không nêu tên
Quyền lợi của dân không thể đi ngược lại quyền và lợi ích của đảng và nhà nước. Nông dân phải biết 'hy sinh' quyền lợi của mình để đảng, nhà nước giàu mạnh mới có sức dẫn dắt nhân dân "hết thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Công lý & hoà bình, Viet nam
Sự việc này sao giống ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ quá vậy? chắc là các quan chức chính quyền ở Trung ương lẫn địa phương có đầu tư vào dự án này rồi mà lỡ đầu tư rồi mà không làm thì mất tiền sao?

LinDaLun, TPHCM
Đừng nghe những gì họ nói mà hãy xem những gì họ làm!

Sakura Nhật bản
Thật là lạ, hàng trăm Khu chế xuất và Khu đầu tư mới bỏ không nhan nhản khắp nơi,mà vẫn quyết "đuổi người, xóa bỏ xóm làng, đồng ruộng" -để xây tiếp kiểu quy hoạch gì đây?

Nguyễn Huy, Mỹ
Từ nhỏ tới lớn, tôi toàn nghe được các vị tiền bối nói rằng chủ nghĩa xã hội lấy giai cấp công-nông làm gốc. Thế mà hôm nay lại muốn làm giảm ý nghĩa của người nông dân trên huy hiệu búa - liềm, thật chẳng bằng chính quyền Miền Nam được cho là 'Nguỵ quyền' trước đây từng thực hiện "người cày có ruộng" năm xưa. Rối loạn xã hội này là tại ai đây?

Trần Hoa, Hà Nội
Tôi muốn hỏi người nông dân 3 xã ở Hưng Yên biểu tình, khiếu kiện về đất đai xem liệu họ đã chuẩn bị và nộp trước 'tiền án phí' cho vụ này chưa?

Nguyen, Saigon
Rõ ràng chẳng có 'bọn phản động' nào giật dây ở đây cả! Chính các ông chính quyền đang quay lưng lại với dân và tức nước thì sẽ vỡ bờ.

Conan, Sài Gòn
Không biết từ khi nào có câu ca dao "con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc cướp ngày là quan"? Xin BBC kiểm tra dùm ở các nước tư bản như EU, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn...có xảy ra tình trạng chính quyền lấy đất nhân dân và đền bù rẻ mạt để xãy ra nhiều biểu tình tương tự như ở VN, TQ không? Chuyện biểu tình xảy ra trong nước VN, mình ở Sài Gòn lại không hay biết gì cho đến khi vào mạng BBC mới hay. Cảm ơn BBC đưa tin.

PPT Việt Nam
Nếu ai còn nghi ngờ gì nữa thì hảy nhìn vào hình ảnh này, nghe sự kiện này, để biết rằng sự phân hóa trong xã hội Việt Nam là có thật và đến hồi "sống mái", với một bên là chính quyền với công an và cả chó nghiệp vụ, bên kia là người dân bao gồm các thành phần kinh tế, công nhân, nông dân, bổn đạo các tôn giáo, giới trẻ, trí thức, cựu quân nhân và cả những "bà mẹ VN anh hùng".

Người ta cưỡng bức nhân dân đến không còn đất sống, không còn việc làm trong khi người ta vẫn tâng công rằng Đảng chăm lo người dân. Không một lý do nào có thể giải thích cho việc cướp đi quyền sống, cái sống của người nông dân. Và không có một chính quyền nào có thể đổ lỗi cho "một bộ phận " cán bộ đãng viên làm bậy. Tất cả đã được chỉ đạo từ trung ương, từ Bộ chính trị Cộng Sản mà trong mấy ngày nay đang họp để chia chác quyền lợi giữa các phe nhóm.
Nông dân ngày nay đặt thành câu hỏi Đảng bảo vệ cho ai, và cướp đi của ai.

Vì thế từ Bến Tre, An Giang, cho chí Thái Bình, Hưng Yên... họ phải đứng lên. Ở đây người Cộng sản cướp đi tất cả, từ lịch sử, tới nhân quyền và quyền dân chủ mà đáng ra người dân Việt được hưởng ngang bằng với các nước khác sau bao công khó của ông cha, của tổ tiên. Tôi nghĩ Đảng CSVN đang thờ một thứ đạo đức giả, để lấy đó làm giáo điều cho việc bóc lột nhân dân mà hình ảnh cụ thể hôm nay là Hưng Yên.

Mun, VN
Không có nước thì vẫn có thể có dân,chứ không có dân thì chẳng bao giờ có nước cả.

Countryman, South VN
Mức đền bù 150 ngàn đồng/m2, tức 150 triệu/công (1000m2) hay 1,5 tỉ đồng/hectare đất (10.000m2). Một tỉ rưỡi một mẫu (hec) đất, số tiền khá nhiều chớ đâu ít ỏi gì? Như thế thì chính quyền trả cho nông dân cũng "được" quá đi, chớ đâu có hẹp hòi?

Tôi là dân trong Nam, nhà tôi ở quê có khoảng 9 công đất (9.000m2), nói thật nếu chính quyền sở tại lấy hết đất và trả với giá 150.000 đồng/m2 như các bác, tức 1,350 tỉ đồng cho 9 công đất, thì cả nhà tôi "sung sướng" quá đi thôi- rất tiếc trong đây có nơi chỉ trả 50 ngàn/m2! Các bác sướng mà không biết đấy! Tôi thường không bênh vực những sai quấy của chính quyền, nhưng cũng không bênh vực những đòi hỏi đôi khi quá đáng của người dân.

Toang
Bây giờ vẫn không có gì làm giàu nhanh bằng những vụ "áp phe" đất. Những "đại gia" giấu mặt có lẽ đang là những ông chủ của đất nước này. Có đấu tranh tức chưa có công bằng, không ít "tấm gương" sau khi "được" đền bù cuộc đời đã đi vào ngõ cụt. Người ta luôn rêu rao lấy dân làm gốc như vây đó.

Những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao ... Viết đã hơn nửa thế kỷ rồi mà đến giờ đọc vẫn còn thấy nóng hôi hổi. Thật thương thay cho những con dân thấp cổ bé họng, đất nước đang phát triển theo định hướng XHCN là phải chịu "đau" như vậy sao!?

 
 
Diễn đàn BBC
Họ tên
Nơi gửi đi
Điện thư
Điện thoại (tùy ý)*
* không bắt buộc
Ý kiến (350 từ)
 
  
BBC có thể biên tập lại thư mà vẫn giữ đúng nội dung ý kiến và không bảo đảm đăng mọi thư gửi về.
 
CÁC BÀI LIÊN QUAN
Nhận định ban đầu về Hội nghị TW9
06 Tháng 1, 2009 | Việt Nam
Đảng CS họp Hội nghị Trung ương 9
05 Tháng 1, 2009 | Việt Nam
63 năm cuộc cách mạng tháng Tám
19 Tháng 8, 2008 | Việt Nam
Hàng trăm ngàn nông dân vẫn đói
17 Tháng 11, 2007 | Việt Nam
Tham nhũng đất đai 'tích tụ từ lâu'
30 Tháng 10 , 2006 | Việt Nam
Nông dân Bến Tre đi kiện ở TP. HCM
21 Tháng 6, 2006 | Việt Nam
TRANG NGOÀI BBC
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.
TIN MỚI NHẤT
 
 
Gửi trang này cho bè bạn   Bản để in ra
 
   
 
BBC Copyright Logo ^^ Trở lại đầu
 
  Trang chủ| Thế giới | Việt Nam | Diễn đàn | Bóng đá |Văn hóa | Trang ảnh |
Chuyên đề| Learning English
 
  BBC News >> | BBC Sport >> | BBC Weather >> | BBC World Service >> | BBC Languages >>
 
  Ban Việt ngữ | Liên lạc | Giúp đỡ | Nguyên tắc thông tin cá nhân