Trung Quốc có còn kiểm soát được Bắc Hàn?

Lần cuối Bình Nhưỡng mời lãnh đạo TQ sang là chuyến thăm tháng 7/2013 của Ủy viên Bộ Chính trị Lý Nguyên Triều

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Vị khách TQ cao cấp gần nhất thăm Bình Nhưỡng là Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều đứng cạnh Kim Jong-un hồi tháng 7/2013

Trả lời Reuters hôm 23/02/2017, Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa nói Trung Quốc 'phải gây sức ép với Bắc Hàn' để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Phát biểu của ông Trump sau vụ Kim Jong-nam khiến cho Trung Quốc cảm thấy bị áp lực từ Mỹ giữa lúc Bắc Kinh cũng rất lo ngại về Kim Jong-un.

Hôm 24/02, Trung Quốc đã bác bỏ khả năng 'gây sức ép với Bắc Hàn và nói rằng "trọng tâm của vấn đề là tranh cãi giữa Washington và Bình Nhưỡng".

Vụ ông Kim Jong-nam bị giết tại Malaysia hôm 13/02 được cho là làm lộ ra khả năng ngày càng ít của Trung Quốc trong việc tác động đến Bắc Hàn.

Chụp lại video,

Quan chức ngoại giao Bắc Hàn: Cảnh sát Malaysia 'dối trá'

Kể từ tháng 7/2013, hai bên Trung - Triều không có các chuyến thăm cao cấp nào và ông Kim Jong-un cũng không thăm Trung Quốc.

Thậm chí, một số nhà quan sát ngay ở Trung Quốc, như Giáo sư Wang Weimin tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho Washington Post biết, "nội các Trung Quốc hết sức lo ngại về vụ Kim Jong-nam".

Hơn một tuần trôi qua từ vụ việc, Trung Quốc không phát biểu gì về ông Kim Jong-nam nhưng cũng không thể từ chối không cộng tác với các yêu cầu từ bên ngoài.

Được biết, Malaysia đã nhờ Trung Quốc tìm kiếm thân nhân của ông Kim Jong-nam hiện định cư tại Macau, lãnh thổ đã thuộc về Trung Quốc.

Lãnh tụ tính khí thất thường

Được biết cả gia đình ông Kim Jong-nam, vợ và con trai, được Trung Quốc bảo vệ.

Theo Giáo sư Wang Weimin, vụ giết Kim Jong-nam là "lời nhắc nhở cho Trung Quốc về sự bất định của Bắc Hàn, và rằng Trung Quốc không có khả năng kiểm soát nước láng giềng và lãnh tụ tính khí bất thường của nước đó".

Có vẻ như không hiểu điều này, ông Trump vừa nhắc lại quan điểm rằng Trung Quốc "sẽ dễ dàng kiềm chế Bắc Hàn nếu muốn".

Biểu hiện duy nhất từ Trung Quốc rằng ban lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng về vụ giết ông Kim Jong-nam là quyết định ngưng nhập than từ Bắc Hàn.

Than là mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Nhưỡng nên quyết định này hẳn sẽ tác động xấu đến kinh tế Bắc Hàn.

Nhưng về chính trị, Trung Quốc có vẻ như không có lá bài nào để tác động vào Kim Jong-un.

Lần cuối cùng một quan chức cao cấp của Trung Quốc được mời sang thăm và gặp Kim Jong-un là tháng 7/2013, khi ông Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ sang Bình Nhưỡng dự một lễ kỷ niệm.

Chưa đợi Trung Quốc phát biểu, hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn (KCNA) nay cho rằng Trung Quốc "đã nhảy theo điệu nhạc của Mỹ" sau vụ cấm nhập than.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bắc Hàn hẳn không thích cảnh người đóng ông Kim Jong-un mua vui cho du khách ở Hong Kong thế này

Với lời lẽ nặng nề chưa từng có, bài báo nói hành động "ngăn chặn thương mại, làm hại đời sống người dân" này "được các thế lực thù địch hoan hô, còn các lực lượng chân chính lên án".

Bài của Jong Phil đăng trên trang của KCNA không nêu tên Trung Quốc mà chỉ gọi là "một nước láng giềng".

Cứ đà này, chắc chỉ còn một bước nữa là Bắc Hàn gọi thẳng tên Trung Quốc là thù địch.