LHQ: Khủng hoảng Rohingya là 'thảm họa nhân đạo'

Nguồn hình ảnh, EPA
Lượng người Rohingya đến Bangladesh tăng gấp ba sau một tuần
Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo, theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quân đội nói rằng họ đang đấu với dân quân và phủ nhận việc nhắm vào thường dân.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.
Khoảng 379.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ khi bạo lực nổ ra hồi tháng trước. Nhiều ngôi làng đã bị đốt.
Người Rohingya, cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở bang Rakhine có đa số theo Phật giáo, đã trải qua nhiều cuộc bức hại và bị xem là dân nhập cư bất hợp pháp. Họ đã sống ở Miến Điện qua nhiều thế hệ nhưng bị phủ nhận quyền công dân.
Giới chức Miến Điện nói rằng nhà lãnh đạo có quyền lực nhất Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, sẽ không dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần tới.
Tuy nhiên, bà sẽ có bài diễn văn trên truyền hình vào ngày 19/9, ngày Đại hội đồng nhóm họp. Giới chức cho hay bà sẽ "nói về hòa giải dân tộc và hòa bình".
Bà Suu Kyi bị những người từng ủng hộ bà ở phương Tây chỉ trích vì không ngăn được bạo lực diễn ra ở bang Rakhine.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Bà Suu Kyi cho biết có "thông tin bóp méo" về cuộc khủng hoảng Rohingya
Justin Rowlatt, phóng viên BBC tại Bangladesh, bình luận:
"Một trong những điều gây sốc nhất là nhiều người tỵ nạn Rohingya nói rằng họ không có liên lạc với bất kỳ cơ quan viện trợ hay tổ chức cứu trợ quốc tế nào cả.
Nhiều người nói rằng họ tới biên giới và phải tự xoay sở."
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói gì?
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn cho biết không đủ viện trợ cho những người Rohingya đã trốn sang Bangladesh.
Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp trong khả năng của mỗi nước.
Ông nói: "Đây là thảm họa nhân đạo."
"Hồi tuần trước, có ghi nhận 125.000 người tỵ nạn Rohingya trốn sang Bangladesh. Con số này bây giờ tăng lên gần 380.000."
"Nhiều người đang ở trong các trại tạm hoặc sống nhờ cộng đồng ở đó. Nhiều phụ nữ và trẻ em đến nơi trong tình trạng đói khát và suy dinh dưỡng."