Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images
Có phải Donald Trump đang bị Trung Quốc nẫng tay trên trong các cuộc đàm phán thương mai?
Ông Donald Trump từng tuyên bố một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là 'dễ dàng' nhưng nhiều ý kiến đồng tình rằng tổng thống đang thua những trận chiến đầu tiên.
Đội cố vấn của ông Trump đã cố gắng đưa ra một thỏa thuận để thúc đẩy ngành xuất khẩu của Mỹ, nhưng dù đã qua nhiều vòng đàm phán, vẫn chưa có tiến triển gì về những vấn đề chính, như việc bảo vệ bản quyền trí tuệ của Hoa Kỳ.
Bây giờ thì ông Trump đang phải nhiều áp lực từ hai phía ở Hoa Kỳ: một phía lo lắng ông đang khiêu khích một cuộc chiến thương mại, và phía còn lại lo sợ ông sẽ dễ dàng nhún nhường.
Ông Trump, dẫn lí do thâm hụt thương mại lớn và các quy tắc không công bằng ở Trung Quốc, nói rằng Hoa Kỳ đã có điểm xuất phát bất lợi và giờ sẽ làm mọi cách để thắng thế.
Nhưng sau những lời lẽ đanh thép và cơn thịnh nộ, điều gì, nếu có, thực sự đang thay đổi?
Đổi chác với ZTE?
Tháng trước, Hoa Kỳ đã cấm công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc nhận lô hàng xuất khẩu từ Mỹ vì ZTE không tuân thủ thỏa thuận sau khi vi phạm các lệnh trừng phạt với Bắc Hàn và Iran.
Ông Trump, theo yêu cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho biết Mỹ sẽ xem xét các hình phạt khác. Các biện pháp cũ đã buộc hãng này, vốn phụ thuộc và các cơ sở ở Mỹ để sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng, phải đình chỉ nhiều hoạt động.
Hai bên vẫn đang thảo luận, nhưng thay vì lệnh cấm, công ty này có khả năng chỉ phải nộp phạt và có vài thay đổi nhỏ trong quản lý.
Điều này dẫn đến nhiều chỉ trích, thậm chí từ cả chính Đảng của ông Trump, cho rằng ông quá dễ dãi với một công ty vốn gây ra nhiều lo ngại về an ninh quốc gia.
Một số khác còn chỉ ra sự trùng hợp thời điểm đáng ngờ, khi một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc vừa ký kết một thỏa thuận với một đối tác kinh doanh của ông Trump ở Indonesia.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin hôm thứ Hai phủ nhận sự đổi chác này và khẳng định các cuộc thảo luận với ZTE tách biệt với các cuộc đàm phán thương mại. Ông nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt không phải là để khiến công ty này phá sản.
Trong khi chính phủ đảm bảo rằng bất kỳ hình phạt sửa đổi nào vẫn sẽ rất nghiêm khắc, nhưng một số chính trị gia đang xem xét trình Quốc hội để ngăn chặn sự sửa đổi.
Tóm lại: Tình hình vẫn còn có thể chuyển biến, nhưng vị tổng thống đã phải trả giá về mặt chính trị vì đã nương tay với ZTE.

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images
Động thái của Hoa Kỳ đã khiến ZTE phải ngừng hoạt động sản xuất chính vào tháng trước
Đàm phán thuế quan
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết các mức thuế mới đang tạm hoãn khi các bên đang đàm phán, trong đó Trung Quốc sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Hoa Kỳ.
Ông Trump hôm thứ Hai cho biết thỏa thuận tiềm năng này có thể là "một trong những điều tốt nhất" có thể xảy ra cho nông dân Mỹ, một nhóm ủng hộ ông vốn lo lắng về sự trả đũa của Trung Quốc.
Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng tuyên bố chung được đưa ra vào cuối vòng đàm phán gần đây nhất không đề cập việc gia tăng số hàng hóa mua từ Hoa Kỳ, mặc dù trước đó Nhà Trắng tuyên bố rằng mức gia tăng có thể lên tới 200 tỷ USD.
Các nhà phân tích cũng nói thêm rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải gia tăng việc mua hàng bất kể đàm phán thương mại.
Trong khi đó, Trung Quốc nhượng bộ rất ít về những lo ngại của Mỹ về việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.
Các biện pháp trừng phạt hiện hành, bao gồm thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm và thuế quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ như rượu vang, vẫn có hiệu lực.
Những căng thẳng trong nội bộ chính phủ Trump đã nổ ra tại các cuộc đàm phán trước đó ở Bắc Kinh, và được đưa tin rộng rãi rằng đã có một cãi vã lớn giữa ông Mnuchin và một cố vấn hiếu chiến hơn, Peter Navarro.
Nhưng trong khi các quan chức Mỹ bận tranh cãi với nhau, truyền thông Trung Quốc đã tuyên bố giành chiến thắng.
"Khi đối mặt với các điều kiện không hợp lý của Washington trong các cuộc đàm phán trước đó, Bắc Kinh đã luôn luôn đáp trả kiên quyết và chưa bao giờ nhân nhượng," một bình luận chính thức đăng trên trang Tân Hoa Xã.
Tóm lại: Tranh chấp thuế quan vẫn chủ yếu là một cuộc khẩu chiến - và người Trung Quốc dường như đang chiến thắng.

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images
Nội các của Trump có mâu thuẫn về đàm phán thương mại với Trung Quốc
Mở rộng thị trường TQ
Trung Quốc năm ngoái cho biết họ có ý định giảm các quy chế đối với các công ty tài chính nước ngoài. Đầu năm nay, các nhà quản lý cho biết họ sẽ tiếp tục giảm các quy chế đối với các nhà sản xuất ô tô và máy bay.
Hôm thứ Ba, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế từ 25% xuống 15% đối với hầu hết các xe nước ngoài bắt đầu từ ngày 1/7.
Việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc là một nhu cầu quan trọng của các nhà đàm phán Mỹ, những người nói rằng các quy tắc của Trung Quốc đưa các công ty nước ngoài vào thế bất lợi. Một số công ty, như JP Morgan Chase và Tesla, nói đang có kế hoạch tận dụng lợi thế này.
Nhưng Trung Quốc, lo ngại về sức khỏe của ngành tài chính, bắt đầu thảo luận lại ý định này vào năm ngoái, trước khi căng thẳng leo thang vào năm nay. Những lời hứa trước đây về sự mở cửa đã gây thất vọng.
Tóm lại: Trung Quốc dường như sẵn sàng mở ra một số thị trường nhất định, phản ứng trước nhu cầu nội địa. Nhưng phải đợi xem khi điều này thực sự xảy ra.

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images
Trung Quốc trước đó nói sẽ giảm các quy chế đối với xe, máy bay và các hãng tài chính nước ngoài
Canh bạc về Bắc Hàn
Tranh chấp thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc chưa bao giờ chỉ là về thương mại - Nhà Trắng cũng muốn Trung Quốc giúp kiềm chế Bắc Hàn và tham vọng hạt nhân của nước này.
Hoa Kỳ đã phát động cuộc điều tra về hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái khi một loạt các vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn diễn ra.
Tổng thống Trump hiện đang lên kế hoạch cho một cuộc hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào tháng Sáu, mặc dù Bắc Hàn đã đe dọa sẽ hủy bỏ.
Ông Trump cũng nói có thể ảnh hưởng của Trung Quốc đã làm thay đổi thái độ của Bắc Hàn.
Vị cựu thượng nghị sĩ Max Baucus là một trong số người cho rằng việc nhân nhượng thương mại để đổi lấy sự giúp đỡ về vấn đề Bắc Hàn là một chiến lược mạo hiểm.
Tóm lại: Không rõ những nỗ lực của Trump về Bắc Hàn sẽ đi đến đâu.