RSF: 'Myanmar bỏ tù bất công hai nhà báo Reuters'

Nguồn hình ảnh, RSF
Hai nhà báo Reuters tại Myanamr, Kyaw Soe Oo và Wa Lone, chịu án tù 7 năm với tội danh vi phạm Đạo luật Bí mật của nhà nước
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nói án bảy năm của hai phóng viên hãng Reuters tại Myanmar bất công, và yêu cầu thả tự do cho họ ngay lập tức.
Ngày 3/9/2018 được coi là ngày đen tối của tự do báo chí ở Myanmar, khi tòa án tại Yangon kết tội hai nhà báo Kyaw Soe Oo và Wa Lone vi phạm Đạo luật Bí mật của nhà nước trong quá trình điều tra vụ binh sỹ thảm sát mười dân thường Rohingya, theo thông cáo báo chí của RSF phát đi ngày 3/9.
Vụ thảm sát nói trên xảy ra cách đây một năm tại Inn Dinn, một ngôi làng ở phía bắc bang Rakhine, Myanmar.
Khi đó, một nhóm người Rohingya theo đạo Hồi chạy trốn bạo lực tới một bãi biển. Tại đây, 10 nam giới bị biệt riêng ra. Hai trong số này bị dân làng theo đạo Phật đánh tới chết. Số còn lại bị hành hình bởi các binh sỹ.
"Bản án dành cho Kyaw Soe Oo và Wa Lone là một đòn khủng khiếp giáng vào tự do báo chí ở Myanmar," Tổng thư ký RSF Christophe Deloire nói.
"Chúng tôi kêu gọi giới chức cao cấp nhất của quốc gia, bắt đầu với lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi, thả tự do ngay lập tức hai nhà báo, tội của họ chỉ là thực hiện công việc của mình. Sau sự truy tố khôi hài, một phán quyết thái quá như vậy rõ ràng đặt câu hỏi về việc Myanmar chuyển đổi sang nền dân chủ như thế nào."
Vụ thảm sát do hai nhà báo Kyaw Soe Oo và Wa Lone điều tra sau đó đã được quân đội thừa nhận và bảy binh sĩ đã bị kết án mười năm tù giam.
Trong phiên tòa trước, một cảnh sát thừa nhận rằng cấp trên của ông đã 'cài bẫy' hai nhà báo bằng cách đưa cho họ tài liệu được cho là mật, sau đó ngay lập tức bắt giữ họ. Toàn bộ quá trình tố tụng chỉ dựa trên bằng chứng đã được dàn dựng này.
Myanmar xếp hạng 137 trên 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2018 của RSF.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Hai nhà báo người Myanmar, Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị bắt năm 2017 khi mang theo tài liệu liên quan đến vụ hành hình người Rohingya được cảnh sát cung cấp