Bắc Hàn: Từ nạn nhân thành tội phạm buôn người

  • Hyung Eun Kim
  • BBC Tiếng Hàn
'Mrs. B' crossed China-North Korea border and China-Laos border to keep her promises to her North Korean and Chinese husbands

Nguồn hình ảnh, Cinesofa

Chụp lại hình ảnh,

Bà B bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc nhưng sau đó chính bà thành người buôn bán phụ nữ.

"Tôi đã bật khóc. Thật không công bằng. Tôi đã bị "giới thiệu" cho những người đàn ông khi tôi đã có chồng con ở Bắc Triều Tiên. Tôi cảm thấy mình sinh ra nhầm nơi nên mới vướng vào vòng lao lý".

"Bà B" đã 36 tuổi khi bị 'bán' cho một người đàn ông Trung Quốc vào năm 2003.

Bà vượt biên từ Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc, nghĩ rằng bà sẽ làm người giúp việc cho người già.

Trốn khỏi Bắc Hàn

Đó là tất cả những gì gã môi giới nói với bà. Nhưng thực chất đó là cú lừa.

Bà B dự định kiếm tiền trong một năm và sẽ trở lại Bắc Triều Tiên. Bằng cách đó, bà có thể nuôi chồng và hai con trai ở quê nhà. Bà không có ý định lấy chồng khác.

Bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc

Ở Trường Xuân - thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, bà và một người phụ nữ Triều Tiên khác được "giới thiệu" tới năm người đàn ông.

Kẻ môi giới dặn bà "sống với người đàn ông Trung Quốc này một năm rồi sau đó bỏ trốn."

Giờ đây, một bộ phim về Bà B, kể lại những nỗi trớ trêu của cuộc đời bà, đã được đạo diễn Jero Yun dàn dựng.

Nguồn hình ảnh, Cinesofa

Chụp lại hình ảnh,

Bà B nói bà thấy "thương và biết ơn" người đàn ông Trung Quốc bà bị bán cho

Một trong những điều trớ trêu nhất của bộ phim có tên gọi "Bà B, một người phụ nữ Triều Tiên" là diễn biến tình cảm của bà với người đàn ông Trung Quốc mà bà bị bán cho. Cả hai sống với nhau được 10 năm.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó.

Trở thành kẻ buôn người

Mặc dù bà là nạn nhân của một vụ buôn người, nhưng rốt cục chính bà lại trở thành kẻ buôn người - chuyên bán phụ nữ Triều Tiên cho đàn ông Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với BBC Tiếng Hàn, bà tiết lộ số nạn nhân bị bà bán lên tới 50.

Bà đã vượt qua biên giới Trung Quốc-Bắc Triều Tiên và sau đó là Trung Quốc-Lào để tới Hàn Quốc, tất cả chỉ để giữ được gia đình của mình ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bà và người chồng Triều Tiên đã "đứt gánh" từ lâu.

Hàn Quốc - đất nước của tự do lại khiến bà "ghê tởm" hơn là mang lại hạnh phúc cho bà, theo lời bà nói với BBC Tiếng Hàn.

Từ đời thực vào phim

Rất đáng tiếc, câu chuyện của bà không phải là ngoại lệ.

Bị buôn người là điều mà nhiều phụ nữ Triều Tiên phải nếm trải khi họ muốn thoát khỏi một đất nước Cộng sản Bắc Triều Tiên.

Nguồn hình ảnh, Cinesofa

Chụp lại hình ảnh,

Nay đã có một bộ phim về cuộc đời bà B

Rất nhiều người trong số họ đã an phận sinh con với những người đàn ông Trung Quốc và ổn định cuộc sống.

Nhiều người Triều Tiên chuyển tới Hàn Quốc lại tỏ ra hối hận khi tới đây, thậm chí có vài người phải chuyển sang nước thứ ba.

Bộ phim này còn chưa kể điều gì? Còn chuyện gì khuất tất mà bà B chưa công bố?

Bà B nghĩ thế nào về người đàn ông bà bị bán cho?

Chuyện tình bất ngờ?

"Tôi nghĩ rằng đó là tình thương. Tình thương giữa người với người," Bà B nói về tình cảm với người chồng Trung Quốc của mình, khi được hỏi đó có phải là "tình yêu" không.

"Tôi không bao giờ nghĩ đó là "tình yêu". Chỉ là ông ấy là người rất thông cảm và tử tế," bà B nói thêm.

Bà B chia sẻ rằng có ít người nói về "tình yêu" ở vùng quê Trung Quốc, nơi bà sống cùng chồng.

Nói về "tình yêu" cũng là điều hiếm hoi không kém tại Triều Tiên.

Bộ phim "Bà B., một phụ nữ Triều Tiên" tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa bà và người chồng Trung Quốc.

Mặc dù bà bị "bán" cho ông ấy, bà nói ông là một người chồng tình cảm.

Trong phim, ông luôn cố gắng làm cho vợ vui bằng những nụ cười mỗi khi bà tức giận. Ông cũng giúp bà khi bà vượt biên giới Trung Quốc-Lào, và tin lời bà rằng khi bà ổn định ở Hàn Quốc, bà sẽ thu xếp đưa ông sang.

Khán giả khá bối rối khi thấy tội phạm buôn người lại có thể biến thành câu chuyện lãng mạn đến vậy.

"Tôi nói với ông ấy rằng tôi có thể có con, nhưng tôi không muốn vì tôi đã có những đứa con ở Triều Tiên và ông ấy nói "không sao". Tôi rất biết ơn. Ai mà không biết ơn cơ chứ?" Bà B nói.

"Tôi tự thấy bản thân phải có trách nhiệm với người đàn ông này, vì ông ta không có con vì tôi, vì con tôi và tôi sẽ ở bên ông đến khi ông nhắm mắt," bà thổ lộ.

Điều mà phim không đề cập

Bà B thực ra đã đưa những người con Triều Tiên, cộng với người chồng Triều Tiên sang Trung Quốc để sống với họ - mặc dù điều này không được bộ phim đề cập đến.

Năm 2009, bà đưa con trai cả sang Trung Quốc. Anh ta sống cùng bà và người chồng Trung Quốc trong ba năm nhưng không hợp nhau. Sau đó, bà B đã giúp anh ta trốn chạy sang Hàn Quốc.

Năm 2013, bà B cũng giúp con trai út và người chồng Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. Nhưng trước khi sang Hàn Quốc, họ sang Trung Quốc và ở cùng bà và người chồng Trung Quốc trong vòng 40 ngày.

Nguồn hình ảnh, Cinesofa

Chụp lại hình ảnh,

Có thời điểm, bà B, chồng Trung Quốc, chồng Triều Tiên và con trai út của họ cùng ngủ trong một phòng.

"Chúng tôi, bao gồm tôi, chồng Trung Quốc, chồng Triều Tiên và cậu con út ngủ chung trong một căn phòng. Các bạn thấy có lãng mạn không?" bà hỏi đùa.

"Chỉ một người trong số họ"

Bà B cho rằng có 80% phụ nữ Triều Tiên bị buôn bán khi họ tìm cách trốn khỏi quê nhà. Và bà ấy chỉ là một trong số họ.

(Cả Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc đều chưa có số liệu thống kê về nạn nhân nữ của nạn buôn người.)

Bà B. chưa lập tức trở thành kẻ buôn phụ nữ Triều Tiên sang Trung Quốc.

Ban đầu, bà chia sẻ rằng bà làm trong một nông trại sữa và chỉ kiếm được 10.000 won (tương đương chín đô la Mỹ) một tháng.

Bà làm ở đó hai năm và gặp gia đình Triều Tiên của bà ở biên giới Trung-Triều để đưa tiền với sự giúp đỡ của kẻ môi giới.

Buôn phụ nữ Triều Tiên

Bà không thể ngờ người chồng Triều Tiên lại tiều tuỵ và suy sụp đến vậy. Cũng từ thời điểm đó, bà bắt đầu dấn thân vào con đường buôn phụ nữ Triều Tiên.

"Tôi thấy để cứu gia đình, tôi cần phải làm điều gì đó," bà trải lòng.

"Tôi cần kiếm nhiều hơn. Nhưng tôi không có quốc tịch, không có chứng minh nhân dân tại thời điểm đó. Và không có nhiều việc tôi có thể làm để kiếm bộn tiền."

Từ năm 2005 đến năm 2010, bà đã bán 50 phụ nữ Triều Tiên cho những người đàn ông Trung Quốc. Bà hiểu rằng đó là tội "buôn người", nhưng bà nhấn mạnh bà không hề lừa các nạn nhân - như những kẻ môi giới đã làm trước đó với bà hồi 2003 - và những người phụ nữ này muốn trở thành một phần của đường dây.

Theo nghĩ đó, bà cho rằng bà đã giúp họ tìm đường sống.

"Những người phụ nữ Triều Tiên trốn chạy khỏi chế độ đều không có nơi nương tựa," bà phân trần với BBC Tiếng Hàn.

"Nếu tôi giới thiệu họ cho những người đàn ông, họ sẽ lấy chồng và được an toàn. Nếu họ sống vạ vật trên đường, họ có thể bị bắt và tống vào tù ở Triều Tiên, điều mà họ không muốn."

Bà tiết lộ rằng bà và các phụ nữ (bị bán) sẽ chia đôi tiền lời.

Nguồn hình ảnh, Cinesofa

Chụp lại hình ảnh,

Bà B đã buôn chừng 50 người Bắc Hàn sang Nam Hàn.

Bà còn làm phiên dịch cho những người phụ nữ khi gia đình Trung Quốc tới mua họ và cũng giúp họ gửi tiền về cho gia đình tại quê nhà Triều Tiên hàng tháng.

Nhưng bà có thấy tội lỗi không? Nhất là khi chính bà đã từng là nạn nhân rồi sau đó lại trở thành kẻ buôn người?

"Tôi nghĩ bị buôn người là điều mà mọi phụ nữ Triều Tiên đều phải trải qua."

"Tôi bị lừa gạt, còn những người phụ nữ kia ít nhất họ cũng biết họ đang ở hoàn cảnh nào. Có thể họ cũng có uất hận, nhưng không thể bằng tôi," bà nói thêm.

Cùng cảnh ngộ

Bên cạnh việc bán phụ nữ Triều Tiên cho đàn ông Trung Quốc, bà B cũng làm môi giới đưa người Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc.

Bà thừa nhận đã từng đưa ít nhất 50 người Triều Tiên qua Hàn Quốc. Và lần này, bà cùng cảnh ngộ với họ.

"Tôi sử dụng cùng một tuyến đường mà con trai tôi đã đi hai tháng trước. Nó bảo tôi đường đi rất khó khăn và dặn tôi gói rất nhiều táo trong hành lý của tôi," bà nhớ lại.

"Tôi không thể mô tả nó khó khăn như thế nào. Tim tôi như vỡ vụn, nghĩ rằng tại sao chúng tôi - những người phụ nữ Triều Tiên - phải trải qua những thử thách này để tồn tại."

Nhà làm phim kiêm đạo diễn Jero Yun đã đồng hành với bà trong cuộc chạy trốn từ Trung Quốc đến Đông Nam Á bằng xe tải, đôi chân trần và xe công nông. Ông chia sẻ với BBC Tiếng Hàn: "Thật là thử thách lớn cho tôi về mặt thể lực, chỉ với một chiếc camera, tôi phải ghi lại tất cả các chi tiết của hành trình đầy gian truân này".

'Cho trẻ sơ sinh uống thuốc ngủ'

"Mặc dù tôi không thể quay thật nhiều, chuyến đi này cho tôi bài học lớn nhất của đời tôi," ông nói.

Trong phim, vì là nhóm vượt biên đường bộ qua biên giới Trung-Lào, một đứa bé - trong nhóm - bắt đầu khóc làm mọi người hoảng loạn.

Mặc dù cảnh không có trong phim, rốt cục họ phải cho đứa bé uống thuốc ngủ, bà B kể. Họ không còn sự lựa chọn nào khác vì cả nhóm có thể bị bắt, bà nói.

Từ Lào sang Bangkok, họ phải đặt đứa trẻ nằm đằng sau chiếc xe công công để tránh bị các nhà chức trách bắt.

Đoạn này được chiếu trong phim với đạo diễn Yun cũng nằm xuống và chỉ quay bầu trời - trong và xanh.

Kết thúc không có hậu

Bà B hứa với người chồng Trung Quốc bà sẽ thu xếp cho ông sang Hàn Quốc khi bà đã ổn định cuộc sống. Nhưng điều đó không xảy ra.

Bà đến Hàn Quốc vào tháng 1 năm 2014 và trong một cuộc thẩm vấn với các nhân viên tình báo Hàn Quốc, bà đã bị nghi ngờ làm gián điệp.

Nguồn cơn của sự nghi ngờ là bà đã một lần bán một loại thuốc Bắc Hàn, được gọi là "đá" ở Trung Quốc.

Bà B. nói rằng mình chỉ làm một lần vì đồng tiền.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng lợi nhuận từ việc bán ma tuý về tay chính phủ Triều Tiên, vì vậy rất có khả năng bà là gián điệp. Tuy nhiên, bà một mực phản bác cáo buộc này.

Dẫu vậy, chính phủ Hàn Quốc đã xếp bà B. và chồng bà vào danh sách người Triều Tiên "không được bảo hộ". Điều đó có nghĩa, bà B và chồng không có quyền hưởng các khoản phúc lợi như trợ cấp tái định cư, trợ cấp nhà cửa và dạy nghề.

Nguồn hình ảnh, Cinesofa

Chụp lại hình ảnh,

Bà B nói bà không hạnh phúc khi sống ở Hàn Quốc "tự do".

Hàn Quốc liệt những người đào tẩu Bắc Triều Tiên vào tình trạng "không được bảo hộ" nếu họ có tiền án tiền sự, từng sống ở Trung Quốc ít nhất 10 năm, hoặc trốn khỏi Bắc Triều Tiên mà không xin tị nạn trong một năm kể từ khi họ tới.

Ở trường hợp bà B, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố với hãng thông tấn News Tapa của Hàn Quốc rằng bà và chồng đã bị xếp vào trình trạng "không được bảo hộ" vì hai người bán ma tuý trái phép.

Bà B nói rằng chồng mình chưa bao giờ động đến ma tuý.

Bà cũng nói rằng bà đã tiêu những đồng tiền kiếm được từ việc buôn bán ma tuý và không có lý do gì để Cục tình báo Hàn Quốc nghi ngờ bà là gián điệp.

Cả hai đã đệ đơn kiện Chính phủ Hàn Quốc.

Trong lúc đó, người chồng Trung Quốc của bà B đã cưới người phụ nữ khác.

Chỉ là bạn bè

Tuy nhiên, cả hai vẫn giữ mối quan hệ "bạn bè" theo lời kể của bà. Buổi sáng hôm phỏng vấn, bà đã cho xem tin nhắn của ông ấy.

Bà B cũng gửi cho ông hình ảnh tĩnh bà chụp từ bộ phim.

"Chủ yếu là ông ấy xin lỗi tôi. Vì ông ấy là người đã phản bội tôi," bà kể.

Bà B hiện đang bán cà phê tại quán cafe ở Yangpyeong, phía Đông Seoul.

Bà đồng ý cho đạo diễn Yun quay phim về mình vì tiền. Cũng vì tiền, bà quyết định dấn thân vào con đường buôn bán phụ nữ đến Trung Quốc và làm kẻ môi giới xuyên Triều Tiên-Hàn Quốc.

"Ở thời điểm đó, tiền là tất cả với tôi, nhưng tôi không còn nghĩ vậy nữa.

"Tôi hy sinh tất cả cho con cái. Nhưng sau khi tôi bước qua tuổi 50, tôi chỉ muốn sống cho bản thân, theo đuổi hạnh phúc riêng của tôi. Tôi không muốn dính vào chuyện buôn người và làm ăn bất hợp pháp nữa."