Ba người Việt chết trong vụ đánh bom xe bus ở Ai Cập

Việt Nam, du lịch, khủng bố

Nguồn hình ảnh, MOHAMED EL-SHAHED

Chụp lại hình ảnh,

Hiện trường vụ xe bus chở khách du lịch Việt Nam bị đánh bom ở Ai Cập hôm 28/12/2018

Giới chức Ai Cập xác nhận có tổng cộng 15 khách du lịch Việt Nam trên chiếc xe bus, theo Reuters.

Ba khách du lịch người Việt và một hướng dẫn viên người Ai Cập thiệt mạng khi vụ nổ bom nhắm vào xe bus chở họ chỉ cách kim tự tháp Giza khoảng 4 km, Reuters cho hay.

10 người bị thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện và hai người bị thương nhẹ đã được đưa về trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập chăm sóc, theo truyền thông Việt Nam.

Đoàn khách Việt Nam này thuộc Saigontourist.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập và đại diện hãng lữ hành Saigontourist đã tới bệnh viện tại Ai Cập để thăm hỏi các nạn nhân.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay đã liên hệ với Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ cấp thị thực khẩn cho thân nhân của những người bị nạn để họ có thể sớm sang Ai Cập.

Đây là vụ tấn công chết người đầu tiên nhắm vào khách du lịch nước ngoài ở Ai Cập trong hơn một năm qua. Du lịch là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nước này, vốn vừa phục hồi sau khi lượng khách giảm mạnh từ cuộc nổi dậy vào năm 2011.

Nguồn hình ảnh, MOHAMED EL-SHAHED

Chụp lại hình ảnh,

Những cứa sổ vỡ toác của chiếc xe bus chở du khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập

Không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm cho tới nay.

Trong quá khứ, những phần tử Hồi giáo cực đoan, bao gồm các chiến binh liên kết với Nhà nước Hồi giáo, hiện đang hoạt động ở Ai Cập, từng nhắm mục tiêu tấn công vào du khách nước ngoài.

Các khách du lịch đang trên đường đến một buổi trình diễn âm thanh và ánh sáng tại các kim tự tháp mà họ đã ghé thăm trước đó trong ngày, Lan Le, 41 tuổi, người có mặt trên chiếc xe bus nhưng không bị thương cho hay

"Chúng tôi đang đi đến buổi trình diễn âm thanh và ánh sáng thì đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng bom nổ. Thật là khủng khiếp, mọi người la hét", bà nói với Reuters tại bệnh viện Al Haram, nơi những người bị thương được đưa đi. "Tôi không nhớ bất cứ điều gì sau đó."

Nguồn hình ảnh, Reuters

Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết chiếc xe buýt đã bị ảnh hưởng từ một thiết bị nổ tự chế giấu sau một bức tường vào khoảng 18h15 theo giờ địa phương (1615 GMT).

Khoảng hai giờ sau, chiếc xe có thể được nhìn thấy phía sau khu vực căng dây phong tỏa của cảnh sát. Mặt trước của xe bị hư hỏng nặng và các cửa sổ bị thổi bay, một phóng viên của Reuters cho biết.

Hàng chục cảnh sát, quân đội và lính cứu hỏa đã có mặt tại địa điểm này, trên một đường ven hẹp gần đường vành đai, nơi giao thông đang diễn ra bình thường.

"Chiếc xe bus đã đi chệch khỏi tuyến đường được bảo vệ bởi lực lượng an ninh," ông Mostafa Madbouly, Thủ tướng Ai Cập phát biểu trên đài truyền hình địa phương từ bệnh viện Al Haram.

Nguồn hình ảnh, MOHAMED EL-SHAHED

"Chúng tôi đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam để kiểm soát tác động của vụ việc, và điều quan trọng bây giờ là chăm sóc những người bị thương," Thủ tướng nói.

Tài xế xe buýt sau đó nói với truyền thông địa phương rằng anh ta đã không đi chệch khỏi tuyến đường được bảo vệ.

Quân đội và cảnh sát Ai Cập đã phát động một chiến dịch lớn chống lại các nhóm chiến binh vào tháng Hai, nhắm vào bán đảo Sinai, các khu vực phía nam và biên giới với Libya.

Chính phủ nói rằng chiến đấu với phiến quân Hồi giáo là ưu tiên hàng đầu nhằm khôi phục sự ổn định của đất nước sau những năm hỗn loạn do các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Những sự kiện đó và vụ đánh bom một máy bay Nga vừa cất cánh từ thành phố Sharm el Sheikh năm 2015 đã khiến lượng khách du lịch sụt giảm.

Vụ tấn công chết người cuối cùng vào khách du lịch nước ngoài ở Ai Cập là vào tháng 7/2017, khi hai người Đức bị đâm chết tại khu nghỉ mát Hurghada ở Biển Đỏ.

Nguồn hình ảnh, Reuters