Macau: 'Một quốc gia, hai thể chế' khác của Trung Quốc
- Sophie Williams
- BBC News

Nguồn hình ảnh, Reuters
Macau, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, được trả về cho Trung Quốc năm 1999
Macau, một thuộc địa bé tí tẹo của Bồ Đào Nha, đang kỷ niệm 20 năm được trao trả về cho Trung Quốc.
Đặc khu Hành chính này, chỉ 31 km vuông, dùng mô hình chính trị như của Hong Kong - "một quốc gia, hai thể chế".
Điều này đảm bảo cho thành phố này một "mức độ tự chủ cao" trong 50 năm, với Bắc Kinh duy trì kiểm soát quốc phòng và đối ngoại.
Nhưng đó chính là nơi mà mối tương đồng giữa Hong Kong và Macau kết thúc.
Trong vòng sáu tháng qua, đã có những cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong để phản đối một dự luật nay đã bị hủy bỏ. Dự luật này vốn sẽ cho phép dẫn độ các nghi phạm từ Hong Kong, Macau và Đài Loan sang xét xử ở Trung Quốc đại lục.
Nhưng trong khi hàng triệu người xuống đường ở Hong Kong, chính phủ Trung Quốc khen ngợi "những người yêu nước" của Macau vì đã gìn giữ hòa bình và trở thành hình mẫu của mô hình "một quốc gia, hai thể chế".
Bộ mặt thay đổi của Macau
Macau là một thành phố cảng nhỏ nằm ở bờ nam Trung Quốc, phía nam Quảng Châu và cách Hong Kong khoảng 65km.
Thành phố được cho Bồ Đào Nha thuê năm 1557 và chính thức trở thành thuộc địa nước này năm 1887.
"Khi người Bồ Đào Nha hoàn toàn cai trị Macau, họ đã phải đàm phán với Trung Quốc bởi vì nó quá gần. Mọi thực phẩm đều đến từ Trung Quốc, do đó người Bồ Đào Nha luôn làm việc và hợp tác với Trung Quốc," bà Agnes Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Macau của Đại học Macau, nói.
Năm 1987, Bồ Đào Nha và Trung Quốc ký tuyên bố chung Trung - Bồ Đào Nha, rằng Macau sẽ được trả về cho Trung Quốc vào 20/12/1999.
Nguồn hình ảnh, AFP
Kể từ cuộc chuyển giao, đã có sự tập trung lớn vào phát triển kinh tế Macao
Dưới mô hình một quốc gia hai thể chế, Macau có chính phủ, luật pháp và hệ thống tài chính riêng. Nó cũng có đồng tiền địa phương riêng, gọi là Pataca, và các luật địa phương riêng, bao gồm cho cờ bạc hợp pháp - vốn đóng góp lớn cho kinh tế Macau.
Lãnh đạo Macau, đặc khu trưởng, được bầu lên bởi một ủy ban 400 thành viên do Bắc Kinh lựa chọn - gồm các chính trị gia và các doanh nhân. Dân thường không có tiếng nói trực tiếp trong việc bổ nhiệm đặc khu trưởng, giống như với Hong Kong.
"Chúng tôi không có bất cứ lập luận công khai nào với Trung Quốc về mô hình một quốc gia hai thể chế. Chúng tôi hiểu khá rõ ranh giới," bà Lam nói với BBC.
Bà nói rằng, di sản truyền thông với chính phủ Trung Quốc là lý do ở Macau, mô hình "một quốc gia hai thể chế" hiệu quả hơn so với ở Hong Kong.
Bà Lam thêm rằng, đã có sự tập trung cao độ vào việc cải thiện kinh tế cũng như hệ thống giáo dục của Macau.
Xi Jinping defends "one-China" principle during Macau visit
Với dân số chỉ hơn 600.000 người, GDP bình quân đầu người của Macau cao hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Luxembourg và Switzerland.
Năm ngoái, chính phủ Macau đã trao 10.000 Pataca (1.246 đô la Mỹ) cho các công dân thường trú như một phần của chương trình chia sẻ thịnh vượng.
"Người Trung Quốc mở cửa Macau cho ngành công nghiệp cờ bạc khổng lồ của Mỹ và đã biến Macau trở thành trung tâm cờ bạc quốc tế và đã mở rộng nền kinh tế một cách phi thường," Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, nói.
"Macau, trước đây từng là một người hàng xóm nghèo của Hong Kong, nay thì đang có GDP bình quân đầu người cao hơn hẳn Hong Kong.
"Gần nửa dân số Macau là người di cư từ Trung Quốc đại lục. Vì thế, bạn có thể nhìn từ quan điểm của chính phủ Trung Quốc rằng, Macau là một hình mẫu cho mô hình một quốc gia, hai hệ thống."
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã lan sang Macau?
Hong Kong hiện đã bước sang tháng biểu tình thứ sáu, nhưng Macau gần như vẫn hoàn toàn yên lặng.
Bốn địa điểm nối Macau với Bắc Hàn
"Bất đồng chính kiến không tồn tại ở Macau", Jason Chao, một nhà hoạt động và cựu chủ tịch của Hiệp hội Macau Mới, một đảng ủng hộ dân chủ, nói với BBC.
"Khác biệt chính giữa Hong Kong và Macau là mong muốn tự trị. Người Hong Kong muốn tự trị, tự do và các quyền cơ bản và họ đang đấu tranh cho điều đó. Điều này không áp dụng cho Macau. Đa số người dân Macau ủng hộ chính phủ Trung Quốc.
"Họ có cuộc sống thoải mái. Điều này khiến phong trào nhân quyền và dân chủ trở nên rất khó khăn ở Macau."
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Biểu tình Hong Kong đã diễn ra trong suốt sáu tháng qua
Ông Chao nói rằng, một số người phản đối chính phủ Macau nhưng những người này muốn Bắc Kinh tham gia để giúp giải quyết tranh chấp của họ.
Nhưng đã có một loạt ví dụ về những người xuống đường để ủng hộ Hong Kong. Vào tháng Tám, chính phủ đã chặn một quảng trường để ngăn người biểu tình xuống đường.
Rồi vào tháng Chín, tòa án tối cao Macau đã bác đơn xin biểu tình của người biểu tình.
Tuy nhiên ông Chao nói "đại đai số dân Macau không ủng hộ biểu tình ở Hong Kong và cũng không có cảm tình với người dân Hong Kong".
Tương lai nào cho Macau?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Macao hôm thứ Tư để ăn mừng ngày thành phố này được trả về cho Trung Quốc.
Phát biểu tại sân bay, ông Tập nói: "Thành tựu và bước tiến mà Macau đạt được sau khi trở về với đất mẹ khiến người dân tự hào."
Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang, cơ quan lập pháp của Trung Quốc, nói rằng người dân Macau có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc.
Ông Trương cũng khen ngợi Macau vì có những "người yêu nước" trong chính phủ và vì đã ban hành Điều 23 Bộ luật cơ bản, một điều luật về an ninh quốc gia mà trong đó cấm "phản quốc, ly khai và luật đổ" chính quyền trung ương.
Khi Hong Kong cố gắng đưa ra luật tương tự vào 2003, nửa triệu người đã xuống đường biểu tình, buộc chính phủ phải hủy bỏ kế hoạch.
Nguồn hình ảnh, AFP
Một phần trong chuyến thăm Macau của ông Tập Cận Bình là để kỷ niệm 20 năm Macao được bàn giao cho Trung Quốc
Trong chuyến thăm của ông Tập, ông dự kiến thông báo các chính sách để tích hợp hơn nữa Macau với các thành phố phía nam Trung Quốc đại lục. Macau sẽ được giao thêm đất trên đảo Chu Hải (Hengqin) của đại lục để phát triển các lĩnh vực như giáo dục và sức khỏe.
Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại London nói rằng, không như Hong Kong, không có các phong trào quyết liệt nào ở Macau để đòi dân chủ, và không có "truyền thông tự do, hiếu chiến".
"Macau không có rắc rối với Trung Quốc. Về cơ bản nó làm mọi điều chính phủ Trung Quốc muốn," ông nói.
NAG chụp hình 'Tank man': Mong người Hong Kong an toàn