Virus corona: Người già và người bệnh có nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong cao

Nguồn hình ảnh, AFP
Tỷ lệ tử vong cao nhất - 14,8% - rơi vào nhóm người từ 80 tuổi trở lên
Các quan chức y tế Trung Quốc vừa công bố những thông tin chi tiết đầu tiên về hơn 44.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong nghiên cứu lớn nhất được thực hiện kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch virus corona cho tới nay.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc (Chinese Centre for Disease Control and Prevention - CCDC) cho thấy hơn 80% các vụ là bị nhẹ, và những trường hợp người đang đau yếu và người cao tuổi có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhân viên y tế đối diện rủi ro cao.
Giám đốc một bệnh viện tại thành phố Vũ Hán đã tử vong hôm thứ Ba.
Ông Lưu Chí Minh (Liu Zhiming), 51 tuổi, là giám đốc Bệnh viện Vũ Xương, một trong những bệnh viện hàng đầu trong trung tâm ổ dịch.
Ông là một trong những quan chức cao cấp nhất ngành y tế tử vong cho đến nay.
Hồ Bắc, với thủ phủ Vũ Hán, là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất nước.
Phúc trình của CCDC cho thấy tỷ lệ tử vong ở tỉnh này là 2,9%, so với mức 0,4% ở các vùng khác trên toàn quốc.
Các kết quả cho thấy mức tử vong trung bình do virus Covid-19 là 2,3%.
Các số liệu chính thức mới nhất của Trung Quốc được công bố hôm thứ Ba cho thấy số các ca tử vong là 1.868, và có tổng số 72.436 trường hợp nhiễm bệnh.
Cho đến nay, đã có hơn 12.000 người bình phục, giới chức Trung Quốc nói.
Nghiên cứu mới cho thấy 80,9% các trường hợp nhiễm bệnh được xếp vào nhóm bệnh nhẹ, 13,8% nghiêm trọng, và chỉ 4,7% là nguy kịch.
Tỷ lệ tử vong nhìn chung vẫn ở mức thấp, nhưng tăng cao đối với nhóm những người trên 80 tuổi.
Xét theo giới tính thì nam giới có mức tử vong là 2,8%, cao hơn so với phụ nữ (1,7%).
Nghiên cứu cũng xác định những loại bệnh có sẵn có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều rủi ro hơn. Trong số này, bệnh tim mạch chiếm vị trí đầu tiên, tiếp đến là các bệnh tiểu đường, hô hấp mãn tính và cao huyết áp.
Nguồn hình ảnh, AFP
Nghiên cứu nói tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ là 0%
Về nguy cơ đối với các nhân viên y tế, bản phúc trình nói tổng số có 3.019 người bị lây nhiễm, 1.716 "trường hợp được xác nhận". Năm người đã tử vong tính đến 11/2/2020, là ngày cuối cùng các dữ liệu được đưa vào chương trình nghiên cứu này.
Hôm 13/2, Trung Quốc mở rộng định nghĩa về cách thức chẩn đoán, để bao gồm cả "các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mãn tính" mà trước đó được tính riêng thành các "trường hợp được xác nhận".
Phân tích của James Gallagher, phóng viên y tế, khoa học của BBC
Cho đến nay, đây là nghiên cứu được tiến hành chi tiết nhất về đợt bùng phát virus corona ở trong phạm vi Trung Quốc. Nó cho chúng ta biết những phân tích sâu đáng tin cậy về những gì đang xảy ra, nhưng bức tranh toàn cảnh còn lâu nữa mới đạt mức hoàn thiện.
Việc nghiên cứu mới chỉ thực hiện trên những trường hợp đã biết, và các khoa học gia thì ước tính là lượng người nhiễm bệnh có thể cao hơn con số đã chính thức được biết tới 10 lần. Điều đó có nghĩa là nhìn chung tỷ lệ tử vong có thể thấp hơn so với số liệu nêu trong nghiên cứu này.
Bản phúc trình cũng nói rằng vụ bùng phát đã lên tới đỉnh vào cuối tháng Giêng, nhưng hiện còn quá sớm để khẳng định điều này.
Kết quả phân tích nêu rõ rằng đây là loại virus "lây nhiễm mạnh", có thể lan ra "cực kỳ nhanh chóng" ngay cả khi Trung Quốc đã "ứng phó cực nhanh".
Đây là lời cảnh báo cho toàn bộ thế giới.
Nhìn tới tương lai, nghiên cứu này nói rằng đợt dịch bệnh đã lên tới đỉnh điểm vào khoảng 23-26/1 và giảm dần tính đến 11/2.
Nghiên cứu nói rằng xu hướng đi xuống này có thể là bởi có "sự cách ly hoàn toàn các thành phố, việc truyền thông rộng rãi các thông tin quan trọng (như khuyến khích người dân rửa tay, đeo mặt nạ, tìm trợ giúp) với tần suất cao ở nhiều kênh khác nhau, và việc huy động các nhóm phản ứng nhanh tới trợ giúp".
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cũng cảnh báo rằng với việc nhiều người đang trở về sau kỳ nghỉ dài, Trung Quốc "cần sẵn sàng trước khả năng đại dịch bùng phát trở lại".