Đảo chính Myanmar: Mỹ đe dọa trừng phạt việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi
Quân đội Myanmar đảo chính, bắt bà Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt lên Myanmar sau khi quân đội nước này lên nắm quyền sau một cuộc đảo chánh.
Quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử khác, cáo buộc đảng của bà Suu Kyi gian lận sau chiến thắng long trời trong cuộc bầu cử gần đây.
Trong một tuyên bố, ông Biden nói "các thế lực không bao giờ được tìm cách gạt bỏ ý chí của người dân hoặc cố gắng xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy".
Liên Hiệp Quốc và Anh Quốc cũng đã lên án cuộc đảo chính.
Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong thập niên qua khi Myanmar tiến tới dân chủ. Ông Biden nói điều này sẽ được xem xét khẩn cấp, đồng thời nói thêm rằng: "Hoa Kỳ sẽ bảo vệ dân chủ ở bất cứ nơi nào nó bị tấn công."
Tổng thư ký LHQ António Guterres gọi động thái của quân đội là một "đòn giáng trầm trọng vào cải cách dân chủ", khi hội đồng bảo an chuẩn bị cho một cuộc họp khẩn cấp. LHQ yêu cầu trả tự do cho ít nhất 45 người mà họ nói đã bị giam giữ.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã lên án cuộc đảo chính và "việc bỏ tù bất hợp pháp" bà Aung San Suu Kyi.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã có những lên án tương tự.
Trung Quốc, quốc gia trước đây phản đối sự can thiệp của quốc tế vào Myanmar, kêu gọi tất cả các phe phái ở nước này "giải quyết những khác biệt". Một số cường quốc trong khu vực, gồm Campuchia, Thái Lan và Philippines, nói rằng đây là "vấn đề nội bộ".
Chuyện gì đã xảy ra ở Myanmar?
Hiện các đội quân đang tuần tra trên đường phố và lệnh giới nghiêm vào ban đêm đã được áp dụng, với tình trạng khẩn cấp được ban bố trong vòng một năm. Bà Suu Kyi kêu gọi những người ủng hộ bà "phản đối cuộc đảo chính".
Trong một lá thư được viết chuẩn bị cho việc sắp bị bắt giam, bà nói rằng hành động của quân đội sẽ đưa đất nước trở lại chế độ độc tài.
Quân đội đã công bố thay một số bộ trưởng.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Biểu tình phản đối cuộc đảo chính đã được tổ chức bên ngoài các đại sứ quán của Myanmar trên khắp thế giới
Trên các con đường của thành phố chính, Yangon, người dân nói họ cảm thấy cuộc đấu tranh giành dân chủ gian khổ của họ đã thất bại.
Một người dân 25 tuổi xin giấu tên nói với BBC: "Thức dậy và biết thế giới của bạn đã bị đảo lộn hoàn toàn chỉ sau một đêm không phải là một cảm giác mới lạ gì, nhưng là một cảm giác mà tôi nghĩ chúng tôi đã gác lại và tiến về phía trước được rồi, một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ buộc phải kinh qua một lần nữa."
Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, do các lực lượng vũ trang cai trị cho đến năm 2011, khi các cải cách dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo chấm dứt chế độ quân sự.
Bà đã trải qua gần 15 năm bị giam giữ từ 1989 đến 2010. Bà được quốc tế ca ngợi là ngọn hải đăng của dân chủ và nhận giải Nobel Hòa bình năm 1991.
Nhưng danh tiếng quốc tế của bà đã bị tổn hại nghiêm trọng sau khi quân đội đàn áp người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Những người trước đây vốn ủng hộ bà đã cáo buộc bà từ chối lên án quân đội hoặc thừa nhận các hành vi hung ác, tàn bạo.
Cuộc đảo chính diễn ra như thế nào?
Vào sáng sớm hôm thứ Hai, đài truyền hình của quân đội thông tin quyền lực đã được chuyển giao cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo khác của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị bắt trong một loạt cuộc truy quét. Không rõ họ đang bị giam giữ ở đâu.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar hiện đang nắm quyền
Không có vụ bạo động lớn nào được ghi nhận. Quân đội phong tỏa các con đường ở thủ đô Nay Pyi Taw và thành phố chính Yangon. Các kênh truyền hình quốc tế và trong nước, gồm cả đài truyền hình nhà nước, đã ngưng phát sóng. Các dịch vụ Internet và điện thoại bị gián đoạn. Các ngân hàng cho biết họ đã buộc phải đóng cửa.
Sau đó, quân đội thông báo rằng 24 bộ trưởng và cấp phó đã bị bãi nhiệm và nêu danh 11 người thay thế, gồm bộ tài chính, y tế, nội vụ và đối ngoại.
Lệnh giới nghiêm hiện có hiệu lực từ 20:00 giờ địa phương đến 06:00 (tức 20:30 đến 6:30 giờ Việt Nam GMT+7).
Nguồn hình ảnh, EPA
Người dân xếp hàng tại các máy ATM ở Yangon và các thành phố khác
Việc quân đội tiếp quản diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa các lực lượng vũ trang và chính phủ sau cuộc bầu cử quốc hội mà phe đối lập được quân đội hậu thuẫn thua cuộc.
Phe đối lập đã yêu cầu tổ chức lại cuộc bầu cử, đưa ra các cáo buộc gian lận trên diện rộng mà không được sự ủng hộ của ủy ban bầu cử.
Phản ứng ở Myanmar ra sao?
Michael Ghilezan, đối tác của một công ty luật của Mỹ sống ở Yangon, nói với BBC rằng ông đã dự đoán sẽ có các xe quân đội và biểu tình ở thành phố, nhưng thay vào đó là sự bình lặng rùng rợn. "Phản ứng phổ biến nhất từ những người bạn Miến Điện của tôi là tức giận. Họ cảm thấy bị quân đội và đảng USDP phản bội sâu sắc."
Điều này đã được phản ánh trong các bình luận khác trên đường phố, dù có một số ủng hộ viên của quân đội vẫy cờ ở Yangon.
Theinny Oo, một nhà tư vấn về phát triển, nói với Reuters: "Chúng tôi đã có một cuộc bầu cử hợp pháp. Mọi người đã bỏ phiếu cho người mà họ ưa hơn. Hiện chúng tôi không có sự bảo vệ nào chiếu theo luật pháp."
Nhiều người sợ hãi không muốn cung cấp danh tính. Một người dân 64 tuổi sống ở thị trấn Hlaing nói với AFP: "Tôi không muốn đảo chính xảy ra. Tôi đã thấy nhiều sự chuyển đổi ở đất nước này và tôi mong muốn một tương lai tươi sáng hơn".
Nhà sử học kiêm nhà văn Thant Myint-U đã tweet rằng một cánh cửa đã mở ra một "tương lai rất khác", và ông lo sợ cho hàng triệu người đang rơi vào cảnh nghèo đói.