Covid-19: Tiêm chủng đang thành chuyện chính trị và tôn giáo trên thế giới

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Người cao tuổi Ba Lan chờ tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Krakow
Sau Tổng thống Hungary tiêm vaccine TQ, đến lượt tổng thống Ba Lan gọi điện cho Chủ tịch Tập để đặt mua vaccine trong khi tiêm chủng thành chuyện chính trị và cả tôn giáo.
Tin tổng thống Cộng hòa Ba Lan, ông Andrzej Duda gọi điện riêng cho Chủ tịch Tập Cận Bình hôm đầu tuần để tìm hiểu khả năng mua vaccine chống Covid từ Trung Quốc gây xôn xao trong dư luận Ba Lan.
Dù theo Bộ trưởng từ Phủ Tổng thống Krzysztof Szczerski nói với báo chí hôm 01/03, thì Ba Lan mới chỉ tìm hiểu phương án mua thêm vaccine của Trung Quốc nếu nguồn từ EU không đủ, nhưng một số người Việt sống tại Ba Lan đã chia sẻ, bàn tán trên mạng xã hội về khả năng "bị buộc phải tiêm vaccine Trung Quốc".
Không chỉ có người Việt lo ngại, mà đa số dân Ba Lan không thích tiêm vaccine Trung Quốc hoặc Nga, theo một thăm dò dư luận.
Vấn đề là việc chờ vaccine cung cấp theo chương trình chung của EU khiến công tác triển khai tiêm chủng ở Ba Lan, nước gần 40 triệu dân diễn ra quá chậm, mới đạt 3,38 triệu liều đầu.
Có báo Ba Lan bình luận rằng cú điện đàm của lãnh đạo Ba Lan chỉ là "chiêu chính trị" nhằm gây sức ép lên các công ty cung ứng vaccine cho nước này theo chương trình EU.
Nhưng sau khi ở Hungary, cả Tổng thống Janos Ader và Thủ tướng Victor Orban đều tiêm vaccine Trung Quốc - ông Orban còn ca ngợi liều vaccine Sinopharm trên Facebook - thì việc nhận vaccine từ các nước đối thủ của EU trở thành chuyện chính trị giữa Ba Lan, Hungary và Brussels.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan tin nhờ nhập cả vaccine Trung Quốc, Nga, bên cạnh AstraZeneca từ Anh, Moderna và Pfizer của Hoa Kỳ mà Hungary có thể tiêm được 2,6 triệu dân vào dịp lễ Phục Sinh (đầu tháng 4), và sẽ tiêm thêm 1 triệu nữa trong tháng 5.
Đây là tiến độ đáng nể so với Đức, Pháp và nhiều nước Tây Âu, Bắc Âu thuộc EU.
Tiêm vaccine trong một thương xá ở Moscow. Nga nói 39 quốc gia đã đặt hàng mua hoặc nhận vaccine Sputnik V gồm cả thành viên EU như Hungary
Tin từ Nga cho hay 39 quốc gia đã đặt hàng mua hoặc nhận vaccine Sputnik V.
EU đang bị chỉ trích tại chính các nước đó vì sự chậm trễ, lúng túng trong chương trình tiêm chủng.
Theo trang Politico hôm 03/03/2021, điều tra dư luận của Keks CNC cho hay 51% dân Đức, 35% dân Pháp và 24% dân Thụy Điển đánh giá chương trình tiêm vaccine của EU là "tồi tệ".
Dù được cho là chống dịch tốt vào năm ngoái, nay chỉ số ủng hộ của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã tụt từ 48% xuống còn 23%, nhưng xem ra còn khá hơn nhiều so với người tương nhiệm của bà ở Pháp.
Tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron nay có chỉ số ủng hộ âm 16%, theo trang Politico.
Thế giới sẽ cấp hộ chiếu vaccine?
Nhập khẩu hoặc tự sản xuất?
Bên cạnh cuộc chạy đua có vaccine nhập khẩu nay nhiều nước tính đến chuyện tự sản xuất.
Các báo Ba Lan đặt câu hỏi vì sao nước này không tự sản xuất vaccine mà phải chờ nguồn nước ngoài.
Tự làm được vaccine, hoặc bào chế theo công thức nhập ngoại có thể thành nguồn cảm hứng cho tinh thần dân tộc ở một số nơi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiêm Covaxin, vaccine do nước ông sản xuất.
Lên mạng Twitter khoe liều vaccine của chính mình, ông Modi, 70 tuổi, khuyến khích người dân tiêm chủng khi đến lượt.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Người dân ở Mumbai, Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19
Ấn Độ cũng có tham vọng tiêm chủng cho 300 triệu người đến hết tháng 7 này.
Cùng lúc, việc nước này làm vaccine cho nước kia cũng không còn là chuyện lạ.
Chẳng hạn Anh đã đặt hàng 10 triệu liều vaccine Oxford/AstraZeneca bào chế tại Ấn Độ theo tiêu chuẩn từ Anh.
Tại Ấn Độ, loại vaccine AstraZeneca có tên địa phương là Covishield (lá chắn chống Covid).
Còn Covaxin của Ấn Độ do công ty Bharayt Biotech chế tạo và sẽ còn cung cấp 700 triệu liều cho tới hết năm nay.
Có ý kiến nói cuộc tranh cãi vaccine nào có hiệu quả cao hơn sẽ không có nhiều ý nghĩa khi các hãng hàng không mở lại đường bay và người nào có 'thông hành tiêm chủng' hay 'hộ chiếu vaccine' sẽ được đi lại.
Chắc chắn người ta không thể phân biệt hành khách tiêm vaccine của nước A, nước B, và ngăn cấm riêng một số 'hộ chiếu vaccine' mà phải chấp nhận rằng mọi vaccine đều có giá trị như nhau.
Tuy nhiên, để các nước đạt lượng dân tiêm chủng đủ cao để mở lại giao thương chắc sẽ còn phải mất nhiều tháng.
Vào lúc này vẫn đang có các phong trào phản đối tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau.
Ở châu Âu có Đức và Thụy Sĩ hiện ghi nhận không ít người dân chống vaccine vì không tin tưởng vào tính hiệu quả, độ an toàn hoặc vì lý do khác.
Tại Anh, một số người Hồi giáo cho là vaccine có nguồn gốc không sạch, không đảm bảo tính 'halal' (tinh khiết, không dính chất của heo) nên từ chối tiêm chủng.
Tin mới nhất cho hay Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ kêu gọi giáo dân không tiêm vaccine Johnson & Johnson vì lý do "luân lý".
Các vị giám mục đó cho rằng vaccine Johnson & Johnson "có xuất xứ từ tế bào lấy ra khi nạo phá thai" hàng chục năm về trước, theo Washington Post (02/03/2021).
Giáo lý của đạo Công giáo, trên nguyên tắc, cấm nạo phá thai.
Phát biểu của các giám mục Công giáo Mỹ được nêu ra bất chấp khuyến cáo của Tòa Thánh Vatican từ tháng 12/2020 rằng vaccine có thể có tế bào từ thai nhi, nhưng "vẫn chấp nhận được để tiêm chủng", theo tờ báo Mỹ.