Với hơn hai mươi năm sự nghiệp, bà từng được đề cử tranh giải Oscar. Nhà sản xuất, đạo diễn phim Roya Sadat là nữ đạo diễn đầu tiên của đất nước, nổi lên từ thời Taliban. Các bộ phim của bà thể hiện tiếng nói của những người phụ nữ Afghanistan, cuộc sống của họ và những hạn chế mà họ phải chịu đựng.
Bộ phim A Letter to the President (Thư gửi tổng thống) sản xuất năm 2017 của bà được đề cử phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Afghanistan tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 90.
Sadat là chủ tịch và đồng sáng lập của Roya Film House, một công ty điện ảnh độc lập. Bà được ghi nhận là người sáng lập, đồng thời là chủ tịch của Liên hoan Phim Phụ nữ Quốc tế ở Afghanistan.
*Trong năm năm đầu dưới thời Taliban, tôi đã hy vọng chế độ này sẽ chấm dứt và tôi sẽ được đến trường. Hôm nay, tôi vẫn tin rằng tiếng nói của tự do, của người dân, sẽ chiến thắng.
Là chỉ huy dàn nhạc Zohra, dàn giao hưởng đầu tiên toàn phụ nữ của Afghanistan, Shogufa Safi dẫn dắt một nhóm các nhạc công 13 đến 20 tuổi, trong đó có những người xuất thân từ gia đình nghèo hoặc là trẻ mồ côi.
Được đặt tên theo nữ thần âm nhạc Ba Tư, dàn nhạc giao hưởng Zohra chơi cả nhạc dân gian, truyền thống Afghanistan và nhạc cổ điển phương Tây, biểu diễn trên các sân khấu trong nước và quốc tế kể từ năm 2014.
Học viện Âm nhạc Quốc gia, nơi Safi từng biểu diễn, đã bị đóng cửa kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Sau khi thoát được sang Doha, cô và một số đồng nghiệp, những người đã phải bỏ nhạc cụ của mình ở Afghanistan, lại có thể tiếp tục chơi nhạc cùng nhau.
*Niềm hy vọng sẽ không bao giờ tắt. Ngay cả trong những lúc đen tối nhất, tôi vẫn tin rằng cây gậy của mình sẽ là ngọn đèn hy vọng, là ánh sáng cho Afghanistan.
Là một trong nhiều cô gái trẻ muốn chơi bóng đá tại Afghanistan, nhưng nay không thể dưới thời Taliban. Sahar trong vài năm qua đá cho một đội bóng địa phương và gặp gỡ nhiều bạn mới trong quá trình chơi thể thao.
Khi Taliban chiếm quyền kiểm soát đất nước trong năm nay, cô đã cùng gia đình đi trốn trước khi được đưa sang nước khác.
Cô lo sợ cho các cầu thủ đồng đội hiện vẫn còn ở trong nước, nhưng hy vọng rằng cô nay đã có thể hiện thực hoá ước mơ được trở lại sân bóng của mình.
*Tôi muốn tiếp tục được học hành và nỗ lực đạt được các mục tiêu của mình, để gia đình và bản thân có thể tự hào về những thành tựu tôi có được. Tôi muốn thành công để không ai còn nói rằng con gái không biết chơi bóng đá.
Tài khoản Instagram được theo dõi đông đảo và trang web 'Everyone's Invited' (Tất cả đều được mời), một nền tảng dành cho các nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục, được thành lập bởi Soma Sara hồi tháng 6/2020. Đây là không gian mở cho các nạn nhân chia sẻ dưới dang ẩn danh những lời kể về các vụ tấn công tình dục, nhằm xóa bỏ tình trạng phân biệt giới tính và xóa bỏ 'thói cưỡng hiếp' trong các trường học và đại học tại Anh.
Dự án đã thu thập được hơn 50.000 câu chuyện kể từ khi bắt đầu, và trở nên nổi trội sau vụ sát hại cô Sarah Everard, nạn nhân vụ bắt cóc trên đường phố London hồi tháng 3/2021.
Sala hy vọng sẽ mở rộng chiến dịch của mình ra ngoài khuôn khổ các các trường học.
*Tôi muốn thế giới hãy lắng nghe, ủng hộ và tin tưởng vào các nạn nhân bị bạo lực tình dục.
Sau 26 năm sống lưu vong tại Hoa Kỳ, Mahbouba Seraj trở về quê hương Afghansitan vào năm 2003 và sau đó bà đã đồng sáng lập, dẫn dắt một số tổ chức đấu tranh cho quyền của phụ nữ và trẻ em, trong đó có Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan (AWN), một bước cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của phong trào đấu tranh cho phụ nữ ở nước này.
Bà cống hiến cuộc đời cho việc giúp đỡ, tăng sức mạnh cho các nạn nhân bạo hành gia đình, đấu tranh cho vấn đề y tế, giáo dục cho trẻ em và chống tham nhũng. Khi Taliban quay trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, bà đã ở lại cùng nhân dân và dũng cảm lên tiếng bày tỏ quan ngại cho phụ nữ Afghanistan trên các báo đài địa phương và quốc tế.
Tạp chí TIME đã vinh danh bà là một trong số '100 Người Có Ảnh Hưởng Nhất' năm 2021.
*Hòa bình là mong ước số một của tôi cho đất nước. Tôi không muốn cái nhìn sợ hãi trong ánh mắt của những người chị, những đứa con gái của chúng tôi trước một tương lai không biết sẽ ra sao sao. Đã quá đủ rồi!
Tác giả người Anh gốc Thổ Nhĩ Kỳ từng đoạt giải, và là người cổ súy cho quyền của phụ nữ và cộng đồng LGBTQ+.
Elif Shafak đã xuất bản 19 cuốn sách, trong đó có cuốn '10 Minutes 38 Seconds in This Strange World' ('10 phút 38 giây trong thế giới lạ kỳ này'), tác phẩm được đưa vào danh sách rút gọn tranh giải Booker Prize, và cuốn 'The Forty Rules of Love' ('40 nguyên tắc tình yêu'), được chọn vào danh sách '100 tiểu thuyết định hình thế giới chúng ta' của BBC chọn lựa. Tác phẩm của bà đã được dịch sang hơn 50 ngôn ngữ.
Shafak là tiến sĩ ngành khoa học chính trị và đã giảng dạy tại các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Anh Quốc. Trong năm 2021, bà được trao giải văn học Halldór Laxness International Literary Prize do đóng góp của bà vào việc "duy trì nghệ thuật kể chuyện".
*Phương Đông và phương Tây nay hiện ra ở khắp mọi nơi, chúng ta đang đứng ở những điểm giao thoa quan trọng. Thế giới cũ không còn nữa - thay vào việc cố gắng quay trở lại, chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Một trong những phóng viên nổi trội nhất của Afghanistan trong hơn một thập niên qua, Anisa Shaheed đưa tin về tình trạng lạm dụng nhân quyền, tin chính trị và tham nhũng. Cô làm việc cho hãng tin Toro, một trong những kênh có ảnh hưởng nhất ở nước này, và tường thuật từ hiện trường khi có tin nóng nổ ra.
Shaheed nhận được những lời đe dọa trực tiếp vì lý do cô làm phóng viên và là phụ nữ. Cô đã phải bỏ chạy khi sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền vào ngày 15/8. Trong năm 2020, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã ghi nhận sự 'can đảm' của cô khi tường thuật trong thời kỳ bùng phát virus corona.
Năm 2021, cô được vinh danh là phóng viên của năm và là 'gương mặt đại diện cho tự do biểu đạt' do mạng lưới Free Speech Hub của Afghanistan trao tặng.
*Trong lúc tình trạng ly tán và tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, tôi hy vọng được nhìn thấy Afghanistan trong hòa bình. Tôi hy vọng được nhìn thấy những phụ nữ và các bé gái mỉm cười. Và tôi hy vọng tôi có thể trở về quê hương, về nhà mình, trở về với công việc của mình.
Bà trở thành nữ Phó Chủ giáo đầu tiên của Giáo hội Anh vào năm 2013 với xuất thân từ cộng đồng da đen hoặc thiểu số. Là một tu sĩ Anh giáo đã nghỉ hưu và là một giáo viên, Mina Smallman tiến hành vận động tạo sự an toàn hơn cho đường phố nước Anh và cho việc cải tổ ngành cảnh sát.
Hai con gái của bà bị giết chết hồi năm 2020: Nicole Smallman và Bibaa Henry bị một thanh niên 19 tuổi đâm chết tại công viên ở London. Smallman đã chỉ trích cách thức xử lý của cảnh sát đối với cuộc gọi báo tin có người mất tích, và nói hai con gái bà có thể là nạn nhân của tình trạng "phân biệt chủng tộc" và "phân biệt đẳng cấp".
Bà nói bà đã tha thứ cho kẻ giết các con mình: "Khi chúng ta duy trì lòng thù hận đối với ai đó thì không chỉ những kẻ đó bị cầm tù mà chính bạn cũng vậy, bởi suy nghĩ của bạn bị nung nấu bởi mong muốn báo thù. Tôi không muốn trao cho anh ta quyền lực đó."
*Là giáo viên và là tu sĩ, tôi cống hiến đời mình cho việc nâng đỡ những em trai, em gái bị mọi người coi thường. Tôi đề nghị mỗi người trong quý vị hãy lên tiếng khi quý vị nghe thấy sự phân biệt đối xử. Chúng ta CÓ THỂ tạo thay đổi.
Những con búp bê 'ra đời lần nữa' vô cùng sống động được làm ra để giúp an ủi một số phụ nữ bị sảy thai hoặc bị mất con. Với một số người, loại búp bê này giúp hàn gắn những đau đớn, khổ sở tinh thần, trầm cảm cùng các vấn đề liên quan tới sinh sản. Nghệ sĩ người Ba Lan Barbara Smolinska là nhà thiết kế, chế tạo, làm ra những búp bê giống trẻ em thật, dùng làm công cụ hỗ trợ công tác trị liệu.
Là cựu nhạc công, bà được đào tạo bài bản trong lĩnh vực mỹ dung học, và là nhà sáng lập công ty Reborn Sugar Babies. Các búp bê làm thủ công của bà đã được sử dụng trong các bộ phim và để tập huấn cho các bác sĩ, y tá, hộ lý trong các cơ sở y tế.
Smolińska rất nhiệt huyết với các sản phẩm của mình và tin rằng những con búp bê đầy sáng tạo của bà sẽ đem lại hy vọng cho những người phụ nữ, giúp họ cải thiện tinh thần.
*Tôi muốn mọi người biết cảm thông nhiều hơn, cởi mở hơn và và chấp nhận sự khác biệt; đây là mục tiêu mà liệu pháp chữa bệnh bằng búp bê của tôi hướng tới, nhằm giúp đỡ cho nhiều phụ nữ.
Sau khi bị giới quân sự cầm quyền Myanmar bắt giữ, Ein Soe May (không phải tên thật) bị tù sáu tháng và chỉ được thả theo lệnh ân xá gần đây. Cô bị giam giữ tại một trong nhiều trung tâm thẩm vấn của quân đội và tại nhà tù khét tiếng Insein. Cô miêu tả thời gian bị giam giữ của cô là lúc cực kỳ khó khăn và cáo buộc rằng cô đã bị tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần.
Từ thời còn là sinh viên, nhà hoạt động trẻ này đã tham gia vào nhiều chiến dịch và nhiều hoạt động khác nhau. Sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, Soe May trở thành thành viên một phong trào mạnh mẽ phản đối giới quân sự nước này, với các hoạt động như 'biểu tình gõ xoong chảo' trong tháng Hai và cuộc 'biểu tình câm lặng' vào cuối tháng Ba.
Sau khi được thả, cô đã tiếp tục các hoạt động chính trị của mình.
*Giá như thế giới có thể được sắp xếp lại... Chúng tôi muốn vượt qua dại dịch thành công và xây dựng một xã hội yên bình. Chúng tôi hy vọng mọi nhà độc tài trên thế giới đều sẽ bị lật đổ, và nền dân chủ thực sự hòa bình sẽ được thiết lập.
Tại tổ chức The Safe Alliance ở Austin, Texas, người phụ trách chiến lược công Piper Stege Nelson làm việc với cộng đồng nhằm chặn tình trạng lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục, bạo lực gia đình và buôn bán tình dục.
Tổ chức này tư vấn cho những nạn nhân trẻ bị cưỡng hiếp, những người không còn cơ hội nạo phá thai do luật mới của nước này cấm việc nạo phá thai sớm, trong 6 tuần đầu của thai kỳ.
Bắt đầu yêu thích leo núi từ năm 2019, sau đó Fatima Sultani đã tự trao cho mình nhiệm vụ truyền cảm hứng, thu hút sự quan tâm của các bé gái Afghanistan tới hoạt động leo núi.
Cô trở thành người phụ nữ trẻ nhất leo lên đỉnh Noshakh - đỉnh núi cao nhất ở Afghanistan, với độ cao 7.492m, khi mới chỉ 18 tuổi. Cô là thành viên của một đội gồm chín vận động viên leo núi trẻ của Afghanistan, trong đó ba người là phụ nữ.
Đam mê thể thao, Sultani là thành viên của đội tuyển quyền anh, taekwondo và jiu jitsu quốc gia trong bảy năm qua.
*Phụ nữ Afghanistan đã đấu tranh cho tự do và quyền của họ trong 20 năm qua. Họ đã leo lên những ngọn núi cao và tạo dựng tên tuổi cho chính mình. Tôi hy vọng họ lại được tự do leo lên những ngọn núi cao, cả trong và ngoài nước.
Nghệ sĩ, nhà thiết kế chuyên khám phá các lựa chọn trong lối sống của chúng ta, đặc biệt là trong mối liên hệ hiện đại giữa chúng ta với lương thực, thực phẩm.
Sinh ra ở Trung Quốc, Adelaide Lala Tam sau trở thành cư dân Hong Kong và hiện sống, làm việc tại Hà Lan. Cô chuyên phân tích thực phẩm công nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng hãy tái thẩm định những gì họ ăn vào cũng như trách nhiệm của chính họ trong việc để những sản phẩm đó ra đời.
Trong năm 2018, cô giành được giải thưởng từ cả ban giám khảo và từ công chúng tại giải Thiết kế Thức ăn cho Tương lai với tác phẩm sắp đặt truyền thông đa phương tiện, thể hiện quá trình giết mổ bò. Cô là một trong '50 người tiếp theo' của năm 2021, tức danh sách những người định hình tương lai của ngành nghệ thuật ẩm thực.
*Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong năm 2021. Nay, tôi muốn thế giới phải thấu hiểu hơn về những gì chúng ta ăn vào, và cách thức thực phẩm được đặt lên bàn ăn.
Vị nữ tu Công giáo đã trở thành một biểu tượng của các cuộc biểu tình ở Myanmar sau khi quân đội quay lại nắm quyền. Bà đã quỳ xuống trước lực lượng cảnh sát để bảo vệ người biểu tình chạy vào trốn trong nhà thờ của bà.
Bức ảnh chụp bà dang rộng tay đối diện cảnh sát cơ động trang bị vũ khí đến đầy mình đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào tháng 3/2021, và được mọi người khen ngợi.
Sơ Ann Rose Nu Tawng công khai lên tiếng bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em. Bà đã học nghề đỡ đẻ và điều hành một cơ sở y tế 20 năm qua, nơi hiện đang chăm sóc các bệnh nhân Covid tại bang Kachin, Myanmar.
*Tôi đã đau đớn chứng kiến những gì xảy ra tại Myanmar. Nếu như có thể làm được thì tôi sẽ thả toàn bộ những người đang bị giam giữ trong tù mà không phán xét ai, và sẽ đặt mọi người ở vị trí bình đẳng như nhau, không phân biệt đối xử.
Cô trở thành một trong những bộ trưởng trẻ nhất châu Phi - mới chỉ 23 tuổi khi được bổ nhiệm hồi năm ngoái. Emma Inamutila Theofelus là nghị viên quốc hội và là thứ trưởng thông tin và công nghệ viễn thông, có nhiệm vụ dẫn dắt các nỗ lực truyền thông phòng chống Covid-19 chính thức của đất nước.
Trước đó cô là một nhà hoạt động trẻ, vận động cho bình đẳng giới, quyền của trẻ em và sự phát triển bền vững, và là chủ tịch nghị viện, thị trưởng nhí của thành phố Windhoek nơi cô chào đời.
Theofelus có bằng cử nhân luật từ Đại học Namibia và bằng diploma về nghiên cứu chủ nghĩa nữ quyền Châu Phi và nghiên cứu về giới từ Đại học Nam Phi.
*Thế giới có thể sắp đặt lại thông qua việc tăng tốc: chúng ta cần tăng tốc để triển khai toàn bộ các kế hoạch đã được hoạch định trong nhiều năm. Không còn thời gian để trì hoãn nữa. Thực tế là chúng ta đang hết dần thời gian.
Cô là sáng lập viên của Ehtesab, một công ty Afghanistan khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với sản phẩm đầu tiên là một app theo dõi, báo cáo tình hình an ninh theo thời gian thực, cảnh báo về điện và giao thông cho các cư dân Kabul. App này đã chứng tỏ được tầm quan trọng của mình trong việc cung cấp cho người dân Afghanistan những thông tin về tình trạng và mức độ nguy hiểm ở khu vực xung quanh thông qua việc chia sẻ các thông tin đáng tin cậy về các vụ tấn công có sử dụng thiết bị gây nổ tự tạo (IED), các vụ đánh người nơi công cộng và các vụ bố ráp nhà riêng.
Sara Wahedi hy vọng sẽ cho ra mắt chức năng cảnh báo qua SMS vào năm 2022, cho phép người dân nông thôn truy cập dịch vụ này.
Doanh nhân công nghệ này là một trong những "Next Generation Leasders" - "Nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo" năm 2021 do Tạp chí Time bình chọn. Cô hiện đang theo học về nhân quyền và khoa học dữ liệu tại Đại học Columbia.
*Điều chắc chắn là người dân Afghanistan sẽ đồng lòng đòi có bầu cử tự do, công bằng, có cơ quan cần thiết để tái thiết đất nước. Để đạt được điều đó, cần phải tích cực kiên cường đấu tranh cho giáo dục phổ cập và y tế cho cả trẻ em nữ và nam.
Nhà thiết kế trang phục cô dâu đã trở thành gương mặt hàng đầu của ngành thời trang từ thời thập niên 1970. Vera Ellen Wang đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang cả lĩnh vực nước hoa, xuất bản, thiết kế nhà ở và các mảng khác nữa.
Bà chào đời tại New York trong gia đình có cha mẹ là người gốc Hoa. Bà là biên tập viên thời trang cao cấp của tạp chí Vogue, sau đó làm giám đốc thiết kế cho Ralph Lauren. Bà cũng là gương mặt trượt ván tài năng, từng dự thi chuyên nghiệp khi còn ở tuổi thiếu niên.
Bà là thành viên của Hội đồng Thiết kế Thời trang Hoa Kỳ danh giá, tổ chức đã vinh danh bà là 'nhà thiết kế thời trang nữ của năm' trong năm 2005.
*Chúng ta tất cả đều dễ bị tổn thương với những điều giống nhau. Chúng ta có thể cùng làm việc với nhau sớm chừng nào để cứu hành tinh này - theo cách khôn ngoan - thì càng tốt chừng đó.
Xuất thân từ một làng quê hẻo lánh Trung Quốc, nhà làm phim từng đoạt giải Vương Nam Phục (Nanfu Wang) hiện sống và làm việc tại Mỹ.
Tác phẩm ra mắt của cô, phim Hooligan Sparrow, đã được đưa vào danh sách rút gọn "phim tài liệu xuất sắc nhất" tranh giải Academy Award. Cô cũng đạo diễn phim Quốc gia Một Con (2019) và Trong Cùng Hơi Thở (2021), bộ phim nói về phản ứng của chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với tình trạng Covid-19 bùng phát.
Lớn lên trong cảnh đói nghèo nhưng Vương đã đạt được ba bằng thạc sĩ từ các trường đại học ở Thượng Hải, Ohio và New York.
*Toàn thế giới có vẻ như nóng lòng muốn được trở lại cảm giác bình thường, nhưng chính những hoàn cảnh mà chúng ta từng coi là bình thường đã tạo ra cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua lúc này.
Cựu nghị viên quốc hội và là bác sĩ phụ khoa có bằng hành nghề, bác sĩ Roshanak Wardak đã cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ trong hơn 25 năm qua. Bà thậm chí từng làm việc trong lần nắm quyền đầu tiên của Taliban, khi đó bà là nữ bác sĩ duy nhất tại quê hương của mình, tỉnh Maidan Wardak.
Sau khi Taliban thất bại hồi năm 2001, bà trở thành thành viên Quốc hội. Quận của bà đã bị Taliban kiểm soát trong vòng 15 năm qua, và giống như ở nhiều các khu vực nông thôn khác, đây là nơi đã xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội liên quan tới các lực lượng NATO.
Bà nói với BBC rằng việc Taliban nắm quyền và chấm dứt chiến tranh nay giống như 'một giấc mơ'. "Tôi chờ đợi ngày những kẻ đồi bại đó bị đẩy lui khỏi quyền lực," bà nói. Nhưng gần đây, bà tập trung vào việc nỗ lực để các trường học được mở cửa trở lại, và việc Taliban nuốt lời đã khiến bà trở thành một người lớn tiếng mạnh mẽ đòi quyền đi học của các em gái.
*Hy vọng duy nhất của tôi cho Afghanistan là buộc những người lãnh đạo chính phủ trong vòng 40 năm qua phải chịu trách nhiệm về những hành động chống lại đất nước của họ.
Lồng tiếng cho nhân vật Hoa Mộc Lan trong các phim hoạt hình Mộc Lan (1998) và Mộc Lan II (2004), Ôn Minh Na (Ming-Na Wen) cũng đóng vai trong loạt phim truyền hình nổi tiếng về y tế của Mỹ, ER, và trong phim Inconceivable, một trong số ít các sản phẩm truyền hình Mỹ có diễn viên Mỹ gốc Á đóng vai chính.
Hiện cô đang đóng vai Fennec Shand trong loạt phim The Mandalorian (Người Mandalore) rất ăn khách của Disney+ và cũng sẽ xuất hiện trong series sắp tới, The Book of Boba Fett. Trong năm 2019, cô được vinh danh là "Huyền thoại Disney".
Cô cũng sẽ được vinh danh, gắn sao trên Đại lộ Danh tiếng Hollywood trong năm 2022.
*Sắp xếp lại không phải là một lựa chọn thực tế, vậy tại sao phải bận tâm tới việc quay trở lại? Tôi tin rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó. Mỗi ngày mới đều là một sự sắp đặt lại. Cho nên hãy sống cho ngày hôm nay với lòng biết ơn.
Siêu sao Hollywood: diễn viên, nhà sản xuất và đạo diễn - và là cử nhân luật. Sự nghiệp diễn xuất của cô bắt đầu từ sân khấu ở Sydney, nơi cô thường tự viết các tác phẩm cho mình và tự làm nên tên tuổi trong làng hài kịch Úc trước khi chuyển sang Mỹ hồi 2010.
Cô ra mắt Hollywood với một vai diễn trong vở hài kịch ăn khách Bridesmaids (Phù dâu). Cô đóng một vai trong bộ phim thắng giải Oscar Jojo Rabbit (Nhóc Jojo), nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai Fat Amy trong bộ phim hài nhạc kịch rất ăn khách Pitch Perfect.
Trong năm 2022, Wilson sẽ đạo diễn bộ phim đầu tay của mình.
*Tính đa dạng, sự tôn trọng và tính bao dung phải thành những thứ không thể đem ra đổi chác trong cuộc sống.
Yaqoobi và chồng, cùng bị khiếm thị, thành lập Tổ chức Rahyab để cung cấp hoạt động giáo dục và tái hòa nhập cho người mù ở Afghanistan. Nhà hoạt động nhân quyền Benafsha Yaqoobi cũng phục vụ trong vai trò ủy viên Ủy hội Nhân quyền Độc lập của nước này, chú trọng tới việc giáo dục trẻ khiếm thị.
Sau khi Taliban quay trở lại, cô buộc phải rời khỏi đất nước nhưng vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền của người khuyết tật, những người mà cô lo sợ sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử của Taliban.
Quyền tiếp cận dịch vụ và nạn phân biệt đối xử vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Afghanistan, một trong những nước có số dân khuyết tật tính theo đầu người, đông nhất thế giới, một phần do xung đột kéo dài hàng thập kỷ.
*Nếu có bất kỳ hy vọng nào, tôi mong thấy lại đất nước mình tự do hơn và bình quyền hơn cho tất cả người dân Afghanistan chúng tôi được làm việc phục vụ đất nước.
Người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình, Malala Yousafzai là nhà hoạt động vì quyền được đi học của trẻ em gái Pakistan và là Sứ giả Hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Cô lên tiếng đòi quyền cho các phụ nữ trẻ được đi học học kể từ khi cô mới 11 tuổi.
Malala bắt đầu các hoạt động của mình với việc viết blog cho BBC về cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban ở Pakistan và việc Taliban ra lệnh cấm các bé gái đi học. Vào năm 2010, một tay súng đã lên bus tìm thấy Malala và bắn vào đầu cô.
Sau khi bình phục, cô tiếp tục các hoạt động của mình với vị trí là nhà đồng sáng lập Quỹ Malala, một tổ chức phi lợi nhuận hướng tới việc xây dựng một thế giới nơi tất cả các bé gái đều được đi học, đều có cơ hội nắm giữ vị trí lãnh đạo mà không phải sợ hãi.
*Hàng trăm triệu bé gái ngày hôm nay đã không được tới trường. Tôi muốn chứng kiến một thế giới nơi mọi bé gái đều được hưởng 12 năm học hành miễn phí, an toàn và bình đẳng. Nơi mọi bé gái đều có thể đi học và làm lãnh đạo.
Cô đã buộc phải rời khỏi nước Nga sau khi bị phản ứng bất lợi từ việc cô tham dự quảng cáo cho siêu thị trong đó thể hiện cảnh gia đình cô ăn mừng trong lễ hội đồng tính hồi tháng Tám năm ngoái. Là một nhà tâm lý trị liệu và là nhà hoạt động LGBTQ+, Yuma hiện sống tại Tây Ban Nha.
Yuma (cô yêu cầu được giữ kín họ của mình) trở thành nhà hoạt động sau khi Nga thông qua luật "chống tuyên truyền đồng tính" vào năm 2013, cấm "quảng bá những mối quan tình dục hệ phi truyền thống tới trẻ vị thành niên".
Cô hỗ trợ tinh thần cho người LGBT từ Chechnya, những người nói họ bị cảnh sát Nga tra tấn trong thời gian 2017-2018. Cô cũng hỗ trợ cho các lễ hội, sự kiện dành cho cộng đồng LGBT tại Nga.
*Việc bắt buộc phải cách ly đã cho thấy tầm quan trọng tới đâu của những mối quan hệ gần gũi. Sẽ là hợp lý khi nhìn nhận rằng những gì chúng ta đang làm trên thế giới chính là những gì chúng ta muốn làm cho người thân yêu của mình.
Nữ phó chỉ huy đầu tiên của Sở Điều tra Hình sự cảnh sát tỉnh Khost, vùng đang trở nên ngày càng bất ổn do có sự hoạt động mạnh mẽ của các nhóm nổi dậy. Thượng úy Zala Zazai là một trong số khoảng 4.000 nữ cảnh sát ở Afghanistan; cô đã được đào tạo bài bản từ học viện cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thời gian phục vụ, cô phải đối mặt với những hăm dọa từ đồng nghiệp nam của mình, cũng như những lời dọa giết từ phe nổi dậy.
Sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan trong năm 2021, Zazai buộc phải chạy khỏi đất nước. Kể từ đó, cô lên tiếng bày tỏ lo lắng cho sự an toàn của các nữ cảnh sát khác bị buộc phải ẩn náu ở Afghanistan.
*Ước mơ tương lai của tôi là được mặc lại bộ đồng phục của mình, thách thức một xã hội gia trưởng, cổ hủ. Tôi muốn lại được làm việc vì phụ nữ Afghanistan ở một khu vực hẻo lánh, nơi mà phụ nữ không có quyền làm việc.
100 Phụ nữ được lựa chọn thế nào?
Ban biên tập 'BBC 100 Women' đưa ra danh sách rút gọn gồm những tên tuổi do các thành viên tổng hợp hoặc do được các ban ngôn ngữ thuộc BBC Thế giới vụ đề cử.
Chúng tôi tìm kiếm các ứng viên xuất hiện trên các dòng tin lớn hoặc những tường thuật, câu chuyện quan trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong 12 tháng qua, và những người truyền cảm hứng mạnh mẽ, những người đạt thành tựu lớn, tạo tác động tới xã hội nơi họ sống nhưng không nhất thiết là đã được tường thuật rộng rãi.
Tiêu chí lựa chọn danh sách năm nay là những người đã 'sắp xếp lại', đóng vai trò tạo thay đổi, làm mới thế giới của chúng ta sau khi đại dịch toàn cầu buộc nhiều người trong chúng ta phải nhìn lại cách chúng ta đang sống.
Tính đại diện cho khu vực và tính đảm bảo công bằng cũng được xem xét trước khi danh sách cuối cùng được đưa ra.
Năm nay, Ban biên tập 'BBC 100 Women' đưa ra một quyết định chưa từng có, đó là dành một nửa danh sách để giới thiệu những gương mặt đến từ một quốc gia: Afghanistan.
Những sự kiện gần đây tại đất nước này đã khiến hàng triệu người Afghanistan đặt câu hỏi về tương lai của họ, trong lúc các nhóm hoạt động vì nhân quyền lên tiếng lo sợ việc quyền tự do của phụ nữ nước này sẽ bị xói mòn trong tương lai trước mắt, dưới sự cai trị của Taliban.
Với việc dành một nửa danh sách để giới thiệu những người đến từ Afghanistan hoặc làm việc tại nước này, chúng tôi muốn nêu rõ tình cảnh bao người trong số họ đã bị buộc phải trốn tránh, và chia sẻ tiếng nói của những người đang dần bị buộc phải câm lặng, cũng như những người đang trở thành một phần trong làn sóng mới những người di tản Afghanistan.
Hôm 3/12, Taliban ra nghị định nhân danh lãnh đạo tối cao của họ, yêu cầu các bộ ngành "có hành động nghiêm túc" đối với quyền của phụ nữ. Nghị định đưa ra quy tắc kiểm soát hôn nhân và tài sản cho phụ nữ, theo đó nói phụ nữ không thể bị buộc kết hôn và không thể bị coi là "tài sản". Nhưng tuyên bố này đã bị chỉ trích là không nêu quyền được đi học cấp hai trở lên của các bé gái và quyền được đi làm của phụ nữ.
Một số gương mặt Afghanistan trong danh sách năm nay xuất hiện ẩn danh nhằm bảo vệ họ và gia đình, với sự đồng ý của nhân vật và tuân theo mọi Chính sách Biên tập và cẩm nang hướng dẫn bảo đảm an toàn của BBC.
Ghi nhận
Sản xuất nội dung và biên tập: Valeria Perasso, Amelia Butterly, Lara Owen, Georgina Pearce, Kawoon Khamoosh, Haniya Ali, Mark Shea.
Chủ biên ban BBC 100 Women: Claire Williams.
Nhóm sản xuất: Paul Sargeant, Philippa Joy, Ana Lucía González.
Phát triển: Ayu Widyaningsih Idjaja, Alexander Ivanov.
Thiết kế: Debie Loizou, Zoe Bartholemew.
Minh họa: Jilla Dastmalchi.
Bản quyền hình ảnh: Fadil Berisha, Gerwin Polu/Talamua Media, Gregg DeGuire/Getty Images, Netflix, Manny Jefferson, University College London (UCL), Zuno Photography, Brian Mwando, S.H. Raihan, CAMGEW, Ferhat Elik, Chloé Desnoyers, Reuters, Boudewijn Bollmann, Imran Karim Khattak/RedOn Films, Patrick Dowse, Kate Warren, Sherridon Poyer, Fondo Semillas, Magnificent Lenses Limited, Darcy Hemley, Ray Ryan Photography Tuam, Carla Policella/Ministry of Women, Gender and Diversity (Argentina), Matías Salazar, Acumen Pictures, Mercia Windwaai, Carlos Orsi/Questão de Ciência, Yuriy Ogarkov, Setiz/@setiz, Made Antarawan, Peter Hurley, Jason Bell, University of Sheffield Hallam, Caroline Mardok, Emad Mankusa, David M. Benett/Getty, East West Institute Flickr Gallery, Rashed Lovaan, Abdullah Rafiq, RFH, Jenny Lewis, Ram Parkash Studio, Oslo Freedom Forum, Kiana Hayeri/Malala Fund, Fatima Hasani, Nasrin Raofi, Mohammad Anwar Danishyar, Sophie Sheinwald, Payez Jahanbeen, James Batten.
100 Phụ nữ là gì?
Mùa 100 Phụ nữ của BBC vinh danh 100 gương mặt nữ có nhiều ảnh hưởng và truyền cảm hứng mạnh mẽ trên toàn thế giới mỗi năm. Chúng tôi làm các phóng sự, phim tài liệu, các cuộc phỏng vấn về cuộc đời họ, những câu chuyện trong đó phụ nữ là tâm điểm.
Hãy theo dõi Mùa 100 Phụ nữ của BBC trên Instagram, Facebook và Twitter. Mời các bạn cùng tham gia thảo luận qua #BBC100Women.